Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

RƯỢU CÚC


04/12/2010
                                          Minh họa của Nguyễn Khánh Toàn
Ngõ nhỏ, dài, ngoắt ngoéo, lượn cùng một chiếc cống nước sụt sùi quanh năm. Thỉnh thoảng có dúm bèo tấm trôi vu vơ. Vài cánh hoa cúc vàng chạy tọt từ ống cống của một nhà nào đó làm cống bỗng như một dòng sông nhỏ dễ thương. Hú hồn hú vía rẽ phải, quẹo trái, chạy thẳng, quẹo trái rẽ phải... Cũng đến được quán Chân Quê. Quê ơi là quê. Quê từ nền gạch cũ lát bậc lên xuống, từ góc sân có cái chum nước rất to hình như mới mua 250.000 đồng từ một tay chuyên từ mạn ngược phục vụ miền xuôi đang hồi Mốt quay về thời kỳ đồ đá? Từ những bộ bàn ghế tre đích thực, trạm trổ cầu kỳ. Đũa tre. Niêu đất, các món rau lạc rừng xuống phố. Đặc biệt là rượu. Các động thực vật chui vào hết các loại bình to bình bé như xếp lọ thí nghiệm trong một viện nghiên cứu. Rượu sâm cầm, tắc kè, cá ngựa. Rượu tằm, rượu rắn… Bao tử các loài dê, hoẵng… Nhìn cái thấy ngay. Đầy chân thật, bắt mắt. Chủ quán không biết uống rượu. Bắt đầu từ lòng tốt, ý thích mai mối giới thiệu. Thời hiện đại cho người ta nhiều sự chọn lựa, nhất là nhu cầu hoài vọng. Phải uống rượu này sẽ bổ bộ phận này. Uống rượu kia tốt cho vấn đề kia. Bắt đầu chỉ là mua hộ đôi rắn cạp nong cạp nia, con trăn còn trong lồng, đôi tắc kè bìm bịp da đen mượt, mắt quắc lên đảo điên gây niềm tin bí hiểm diệu kì của một loại thuốc kích từ trong kích ra chứ không tương thẳng phũ phàng từ ngoài vào như cái giống thuốc Tây tàn bạo.
Chân Quê có 2 mẹ con. Mẹ 40. Con 16. Mẹ còn núng nính, mỡ màng lắm. Con gái thì mọi thứ đang bắt đầu cụng cựa. Mở ngay một quán rượu mang hương vị các con động vật đang gầm gừ, nhảy múa loạn xạ trong chuồng phải dùng vũ lực mới thẳng cẳng, rồi thui qua ngâm ngay vào rượu. Hình như rất tanh. Biết uống là bổ nhưng lợm giọng. Thế là sinh ra món nhắm. Quanh năm có vại trám muối. Rồi dưa leo. Hoa chuối. Dần dần đến các món chiên sào quyến rũ  gây tác động qua lại một cách nhịp nhàng bổ trợ với bình rượu động vật. Rượu sẽ bớt tanh khi có bê non chao, đậu phụ chấm mắm tôm đích thực đặt làm tận Hải Hậu còn đỏ màu gạch non. Các món chim, gà rán nướng sẽ bớt phồn thực vì rượu tanh tanh. Thêm vẻ là lạ, đôi phần bí hiểm nhưng tử tế của hai mẹ con chủ quán, lại giá cả khá người nhà nên Chân Quê ngày càng đông khách.
Ngoài trời. Đang nắng thế bỗng có mưa. Chị nhìn ra ô cửa vuông có mấy thanh gỗ chắn thấy lạ sao hạt mưa hôm nay vừa tròn vừa to thế. Ngó thêm ra ngoài, rõ ràng là nắng. Họ ngồi trong một góc khuất. Nhỏ kê vừa hai ghế một bàn. Một ô cửa đủ để  thấy một khoảng rêu mượt mà mướt mát của sân sau một nhà hàng xóm. Trên khoảng mượt mà mướt mát đó là phía sau của một hàng cắt tóc thanh nữ. Chỉ phục vụ phụ nữ và chủ là những chàng trai khéo đủ mọi chuyện.
“Mưa rồi”. “Hình như không phải”. “Xung quanh đây có nhà tập thể đâu mà có người hắt nước”. “Suỵt. Im anh nghe”. Và anh nhoài người. Rồi ngượng nghịu, bẽn lẽn ngồi xuống, cười vu vơ, rồi cười khùng khục. Chị tò mò, đẩy chiếc kính cận lên cao hơn sống mũi, nhìn anh âu yếm, chờ đợi. Lúc nào ánh mắt và sự chờ đợi cũng như đợi sự tỏ tình. Anh vẫn cười. Chị nhìn ra. Ánh mắt ấm áp nhìn qua khuôn cửa hẹp. Hình như đã hết mưa. “Mưa bóng mây. Nhanh đến nhanh đi...” Anh vẫn cười. Rồi chồm người qua bàn, nắm lấy tay chị, thì thầm: “May mà em không nhìn lên chứ nếu em nhìn, em sẽ không thủ tiết với anh”. Chị sững ra. Hai cánh mũi động đậy. Dưới môi, vài hạt mồ hôi lấm tấm như hơi nước. “Một thằng... Rất ấn tượng... Mình đặt tên việc đó là Mưa bóng mây nhé”. Chị gật lia lịa và cười. Hai người cười khùng khục. Rồi rót rượu vào chiếc bình giả cổ rất khéo ra hai chiếc chén hạt mít. “Nguội rồi”. “Hâm lại nhé”.
Có một chiếc mõ gỗ. Chị gõ nhẹ vào đó 3 tiếng. Con gái 16 tuổi cụng cựa xuất hiện như vị thần chui từ chiếc đèn ra. Cười. Răng đều óng óng như những hạt ngô. Chị giơ bình. Cô bé gật nhẹ, đón lấy và biến vào cây đèn. Rồi thoắt cái, quay lại, hồi hộp: “Bà nấu rượu hẹn chiều mai cháu sang đèo mười lít rượu cúc về. Bà ấy hỏi thăm cô chú. Cháu bảo cô chú vẫn vậy, tốc độ uống có tăng”. Nó tít mắt cười, môi gọn đỏ như vẽ, mòng mọng. Anh chợt hóm hỉnh: “Chú cháu mình có duyên với rượu cúc”.  Chị đang ngồi khê kha chợt cười. Cười mãi không dừng được. Con gái mười sáu mắt tròn xoe, chờ đợi. Có một thằng bán thịt chó, hứng tình muốn đổi rượu cho khách thập phương. Thay vì hai can mười lít rượu sắn, lại tập tọng chèn thêm bình Rượu cúc. Lần thứ nhất. Đang phơi phới một mình một đường, tự dưng thấy trời xanh mây trắng nắng vàng, huýt sáo vang. Thế là chẹt ngay vào hòn sỏi. Chỉ một hòn sỏi thôi - Anh cười mắt lóng lánh nước - thế là quay lơ. Tất cả nguyên si. Vỡ độc bình rượu cúc. Hương cúc bay say hết bọn đi đường. Lần sau, nó rút kinh nghiệm, buộc chặt bình rượu, quyết về chơi trội, hơn phân cả dãy thịt chó rượu sắn bằng hương rượu cúc. Đang phơi phới, và tránh sỏi thì ối giời ơi, mọc ngay một bác già ngả nghiêng hiện ra từ con đường tắt. Thế là lao thẳng cả người, xe, rượu sắn, rượu cúc xuống ruộng. Lại tất cả còn nguyên, độc bình rượu cúc vẫn buộc chặt sau xe đập ngay vào một tảng đá, mày nằm chệch đi một tí có phải đỡ vỡ bình rượu của ông không?”. Con gái mười sáu mắt chữ I mồm chữ O, hỏi: “Thế có lần thứ ba không chú?”. Lần thứ ba thì chính bà ủ rượu không bán nữa, có tiền cũng không bán. Rượu cúc chọn người uống chứ người uống không chọn được rượu. “Bà ấy bảo cô chú có duyên với rượu cúc. Đến khi cô chú dắt cháu sang giới thiệu cháu cũng có duyên”. “Đây là tiền hàng tiền chợ, mẹ dặn bác ấy rồi. Con cứ thoải mái đừng lo lắng, có phải lúc nào cũng lãi. Miễn không lỗ là được”. Mẹ bốn mươi cười miệng rộng, răng trắng đều ngà ngọc, mắt nâu ướt nước. Nhìn kĩ mới thấy vài sợi chỉ xiên xiên đuôi mắt. Con mười sáu cười ngắn hơn, mặt căng bóng, gật gật đầu trêu mẹ: “Hết đồ nhắm, cho khách uống rượu xếch?”. Mẹ bốn mươi tắt cười, lắc đầu lo lắng: “Khách say khướt, nhà có hai bác cháu làm thế nào?” Con mười sáu lần này cười phá lên: “Nhà có hai buồng, cho khách ngủ lại càng vui”. Mẹ bốn mươi lắc đầu: “Không được. Họ coi thường mẹ con mình dễ dãi”. Con mười sáu bớt cười: “Dễ hay không ở mình. Mình hiểu mình là đủ cần gì ai hả mẹ?”. Mẹ bốn mươi đứng lên, bỏ  lại trong khoang trống nhỏ mùi nước hoa loáng thoáng, quyến rũ, nôn nao, đi biến vào trong gian phòng nhỏ quanh năm ấm nồng nàn, các mùi hương. Nước hoa, kem dưỡng da toàn thân, phấn sáp và hương rượu. Nồng nàn người đàn bà chờ một hạnh phúc đến muộn. Cái gì muộn cũng ngọt ngào và giá trị vì người ta hiểu nó hiếm hoi và khó giữ thế nào. Con mười sáu đến đằng sau, thôi cười, xa vắng: “Mẹ lại đi lúc 9 giờ?”
Hà Nội cuối đông, đêm xuống mù sương. Tất cả như lấp ló sau một tấm voan mỏng che khuôn mặt hồi hộp xinh đẹp đã hoá trang kĩ của cô dâu chuẩn bị về nhà chồng. Lần nào cũng thế, chị ngồi bên cửa sổ ô tô, ghế sau, trong một chiếc xe to và dài. Người lái xe quá hiểu vị khách độc nhất vô nhị của mình muốn gì. Bản nhạc xưa cũ, một thời nào đó rất đông người thích rồi dần dần chỉ còn những ai gắn nó cùng kỉ niệm là nghe lại. Đi chậm. Không một ánh đèn, dù chỉ nhỏ như một vì sao rụng. Cứ đến phà khoảng 12 giờ đêm là được. Hai bên đường. Làng xóm ngủ kĩ. Nếu không có tiếng chó sủa vu vơ, không ra đuổi trộm cũng chẳng vì chán đời do trăng sáng quá, biết là có một điều gì đó xảy ra xung quanh mình, nhưng chót sinh vào kiếp con vật nên chỉ biết ngóng cổ lên cao, ngửa mặt cảm hứng mà sủa... Tất cả, như trong một hạt thóc khổng lồ, được tưới bởi một dòng suối trăng bất tận.
“Không biết mùa đông, khách vắng, phà có chạy cả đêm?” Lái xe đột ngột hỏi, lại như than thở tự hỏi mình. Chị chợt bứt mình ra khỏi dòng sông trăng, cũng chẳng ra trả lời, chẳng ra tự hỏi. “Có khi phà chỉ chạy đêm mùa du lịch. Gọi mãi, ngủ say mấy cũng dậy.” Rồi lại chui vào hạt thóc mù sương.
“Mỗi ngày em phải ăn một con cua bể, hai sắt cá thu và 3 con tôm để bé về sau vừa khoẻ mạnh vừa thông minh”. “Anh có muốn em hét lên cho cả làng chài này biết đàn ông miền biển bắt nạt vợ thế nào không?” ”Giời ơi, bắt ăn chứ không phải bắt nạt. Em ăn hộ bố con anh, mai kia em bé tự ăn được, anh để em chết đói, lúc đấy lại chả cướp của bố con tôi”. Chị hơi cười và lại nhìn ra tấm khăn voan. Có nhà ai đốt rạ, rất xa nhưng theo gió, khói nồng ấm lẻn về, chui tọt vào một cửa ô tô như chứng minh rằng vẫn còn người thức.

         
Mãi mãi trong sương. Trong khói. Trong hun hút đường dài. Bến phà hiện ra. Nước trôi lừ lừ. Vài cụm bèo dạt về cuối dòng dưới tấm voan trăng trải rộng… Im lặng, họ cùng mở cửa ra ngoài. Gió biển mặn thốc vào mặt. Có mùi tanh, mùi mặn, mùi mát. Chị rùng mình, như tiếng anh gọi lại đằng sau.
         
Tiếng còi ô tô và những pha đèn bật sáng rọi sang bờ bên. Rồi một ánh đèn pha sáng chói gắt từ bên đó, quét thẳng vào chị. Tiếng khởi động máy phành phạch của chiếc phà nhỏ làm mặt nước vàng rực vỡ toang. “Mai tôi vào nhà thờ chịu lễ, anh cứ đi chơi. Gạo, cá, mắm mẹ chồng tôi chuẩn bị hết rồi, anh đừng mua”. “Vâng”. “Sáng sớm tôi sẽ mua chục cân riu tươi mang về làm mắm”.
         
Biển mở rộng toang hoang. Không thấy trăng đâu nhưng biển rất sáng. Chị quàng thêm chiếc khăn len xanh thẫm và đứng nhìn. Biển lần nào cũng mới. Đằng sau những con sóng kia luôn là những gì bí ẩn. Vừa háo hức mời gọi hãy đến đây với tôi. Lại giống một cánh cửa bí hiểm, lạnh lùng đến tàn nhẫn và tiếng gầm gừ: mi đã vào cửa nhà ta mi sẽ không về được.  Chị lại nói như cho mình, như với người lái xe đang ngất ngây: “Năm nào cũng có người không về”. Anh lái xe chuyên cho thứ trưởng một bộ kinh doanh mặt hành không bao giờ lo ế, từ ngày quen vị khách đặc biệt sau một chuyến xếp vắng, vợ ốm vác xe đi đánh quả lấy tiền tiếp đạm cho vợ bỗng thấy cuộc sống thật rộng lớn mà có lúc anh tưởng không ai biết nhiều chuyện ở nhiều nơi bằng mình. Bỗng hiểu là mình cần khám phá nó nhiều hơn vì suy cho cùng, cuộc sống vẫn thế, chỉ khác là ở những kiếp người. “Năm nay là năm thứ 9. Nhanh nhỉ”. “Hàng trăm lần tôi đến đây, từ ngày yêu anh ấy, rồi anh ấy đi mãi không về…” Mẹ bốn mươi thở dài, đứng thẳng người vươn ra biển…
Chân Quê hôm nay vắng khách. Cuối năm, ai cũng bận, hiếm thời gian dành cho rượu. Con gái mười sáu sung sướng đứng bơm rượu từ những chiếc bình to ra những chai con, nói với một bác rất già, nhưng mắt lại sáng hấp háy: “May quá. Ít khách, bác cháu mình đỡ chạy…”. “Đúng là mẹ con nghệ sĩ. Bán hàng lại mong ít khách, không cần lãi. Trong góc khuất. Cạnh vuông cửa sổ nhỏ. Hôm nay chỉ một mình anh. Trời tối sầm, đi ngoài đường còn âm u nữa là chui vào góc. Cái hốc hang nhỏ bé hôm nay thật lạnh, hai bát, hai đũa, một đĩa lạc vài ngọn rau thơm, một đĩa dưa góp. Bình rượu thứ ba. Con gái mười sáu vào, không toe toe như những hôm có cả chị. Nó bỗng đằm thắm, tế nhị và giời ạ, thật đúng lúc đúng chỗ. Anh chợt hiểu đấy vừa là văn hoá, vừa là bẩm sinh của một cô gái con những người tử tế.
         
“Nhà hôm nay vắng nhỉ? Chú không thấy mẹ cháu?”. “Mẹ cháu ra biển. Ngày mai đi lễ cùng bà nội”. Anh nhìn nó, hơi nhún vai. “Cô lại đi công tác ạ?” Anh lắc đầu, dốc ngược bình rượu. Còn vừa xinh một chén hạt mít, ấm nóng, thơm tho. “Cô ấy bận một thời gian.”. Con gái mười sáu đứng lên. Đi ra, hông nở huých mép bàn tre cũ: “Cháu lấy rượu cho chú. Vừa nóng rồi”. Anh không kịp bảo thôi đừng lấy nữa, mọi hôm cả cô cũng ba bình, mà chú uống đâu bằng cô. Không cô. Rượu uống nhiều vẫn tỉnh, nhưng buồn. Có cô. Rượu uống ít mà say, chếnh choáng lại vui. Thôi chú không uống nữa đâu. Cháu ơi đừng hâm nóng. Mùi cúc quá nồng nàn làm chú vất vưởng. Ở đây về rồi, không biết đi đâu. Khổ thân chú lắm cháu ơi.
         
Con gái mười sáu vào. Một bình ấm nóng, trên một chiếc khay nhỏ. Lần này có thêm một chén hạt mít. Anh nhướng mắt lên. Mình không say nhưng sao mí mắt lại nằng nặng. Nhiều câu định nói đầy trong đầu nhưng sao lại không thể phát ra thành lời thế này? Mắt con gái mười sáu lóng lánh: “Cháu uống với chú. Cháu uống được hai chén này rồi” Anh cười. Định bảo cháu ơi, già nghiện rượu như chú còn hối không kịp nữa là phơi phới như cháu, việc gì phải vội thế? Rượu chỉ ngon khi có bạn hiền. Chưa chắc cứ giúp đỡ nhau lúc khó khăn mới là bạn hiền. Giúp khác mà cần có nhau những lúc cô đơn lại khác.
         
Chưa kịp nói gì thì cháu đã một và chú cũng một. Cả hai cùng dốc ngược chén. Cháu miệng gọn, răng đều tăm tắp cười, lưỡi nhỏ và hồng như lưỡi mèo liếm liếm miệng chén rượu đầy, sánh như mật. Cháu bảo cháu biết nếm tất cả các loại rượu, phân biệt được bình nào đến độ, bình nào chưa. Cháu bảo mai này yêu ai, cháu cũng rủ người ấy uống rượu giống cô chú không có người say người tỉnh nhạt lắm. Chú cứ định ngăn lại những điều chú thấy cháu không nên nghĩ thế, nói thế nhưng lưỡi chú hôm nay bướng quá cứ đớ ra, không mềm mại như cái lưỡi bé xíu của cháu. Già, chán thật. Rồi chú cười. Cháu cười. Bảy bình rượu cúc dốc ngược. Cháu bảo mai mẹ về mang nhiều con ở biển, con nào nhắm với rượu cũng ngon. Chú đến sớm sớm, cháu bày vẽ ra cả nhà mình cùng chén… Cháu lại kể từ ngày cô chú tặng mẹ con bình rượu cúc, rồi dắt đi đặt người nấu thường xuyên cho Chân Quê, mẹ ước lúc nào kiếm được tí đất chỉ trồng hoa cúc…
Ngoài kia. Một mình bác rất già mắt sáng phục vụ khách. Bầy biện các đĩa có vẻ vụng nhưng đầy, lại chịu khó cười duyên, khách vui, chủ cũng tít. Bắt đầu những ngày mưa dầm dề sau những ngày hanh hao lê thê. Chân Quê lại đông khách. Trời đất ủ ê, buồn nản may còn có rượu kích thích. Mẹ bốn mươi sắp sang bốn mốt. Hơn có một tuổi nhưng lại ngoặt sang một chặng khác đầy bất trắc và mù mờ, không thể định trước ngày mai ngày kia ra sao. Trước ai hỏi, con mười sáu đùa: “Mẹ cháu đầu ba đuôi vô tư”. Bây giờ thì nhoắt một cái thành đầu bốn đuôi bất tận. Đuôi không quan trọng như đầu. Mẹ bốn mốt vẫn đẹp, vẫn giòn, cạnh con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu. Không có trâu cho con gái bẻ sừng, chỉ thấy con đi lại xem ra tăng phần mạnh mẽ giảm độ gợi cảm lắm khi xô vào bàn, đổ cả khay rượu. Thế mà khách không mắng, lại còn cười: “Thiếu nữ rồi. Mỗi tội còn lật đật trẻ con”.
Khách quen dắt theo khách lạ. Khách lạ đến, ngồi nhắc chuyện khách quen giờ đi đâu về đâu. Mẹ bốn mốt, con mười bảy xem ra hài lòng với Chân Quê xinh xắn, ấm nồng hương vị rượu và đàn bà con gái. Mặc kệ chiến tranh bên xứ đạo Hồi. Mặc kệ khủng bố, ngoài việc xuýt xoa thương những người tài nhất thế giới tư bản chết trong những vụ đánh bom liều chết. Mặc kệ ngoài kia chỉ còn là đường khi về đêm, ngày là chỗ trú chân của dân tứ chiếng. Kệ tất tật. Rượu đầy sóng sánh. Rượu thơm nồng nàn. Người đến kẻ đi đều tây tây vui vui nhìn nhau như người thân…
Suốt từ trưa. Chị ngồi nâng lên hạ xuống tì tì. Con gái mười bảy chẹp miệng: “Trông cô uống ngon như uống mật ngọt”. Chị cười: “Ngọt hơn cả mật, con gái ạ”. Con gái mười bảy lại hỏi: “Chú ấy ở tận bên kia trái đất, không hiểu có rượu cúc mà uống không”. Chị cười đậm đà mắt như lên men: “Kể cả có thì cũng không phải rượu cúc của mình”. Con gái mười bảy gật gù, mặt thoắt già trước tuổi: “Rượu ngon phải có bạn hiền, chú năm ngoái lúc ngồi một mình đúng chỗ cô ngồi, uống rượu bảo cháu thế”. Chị chợt lặng đi. Hai mắt hình như có nước, vai xuôi xuôi cam chịu. “Mới đấy đã một năm. Hồi ấy, cô đi biệt phái 6 tháng”. “Nghề nhà báo của cô thích nhỉ. Được đi khắp nơi. Chưa kịp chán thì đã về”. “Nhiều khi cuộc sống trôi được là nhờ cảm xúc và cảm giác. Sau này bằng cô, cháu sẽ hiểu”. “Thỉnh thoảng cháu cũng thấy vậy”. “Không biết sang bên đó, chú có còn thích viết văn?” Con gái mười bảy mơ màng. Mặt chị như có hơi sương: “Văn chương là thứ mà chú ấy không bỏ được”. Con gái mười bảy chợt chồm người lên, thì thào: “Mẹ cháu sắp lấy chồng”. Chị sững mặt, chợt thấy không bị màng nước mắt kí ức kéo sập che đi như hồi nãy. “Bác ấy cũng người vùng biển. Bà nội cháu khen bác ấy tốt, thật thà. Người vùng biển nào cũng thật thà”. “Cháu nghĩ sao, về chuyện này?” “Tốt chứ cô. Cứ cái gì làm mẹ bớt khổ là cháu thích. Từ bé đến giờ, cháu chưa thấy lúc nào mẹ cháu vui hẳn. Chỉ hơi vui vui thôi”. Chị thở dài. Một hơi rất dài như thể hơi thở được dồn nén rất chặt. “Rồi sau đó thế nào?” “Mẹ sẽ về Hải Thịnh. Mẹ muốn ở gần bà nội. Sau đó thế nào…” Con gái mười bảy cười, răng trắng ngà ngọc, nhún vai lắc đầu: “Chỉ mới tính được đến thế thôi cô ạ”. “Còn cháu… và Chân Quê này?” “Cháu ở đây với bác, có sao đâu cô. Cháu quen rồi”. Chị lại thở dài. Hơi ở đâu mà lắm thế. Thở lần nào cũng dài ơi là dài. Chả ra hỏi, cũng không phải nói chuyện, chị lầu bầu: “Mãi thế này, làm sao có tương lai?” Con gái mười bảy đã đứng lên và biến đi từ lúc  nào. Còn lại chị, trong bóng tối quá đậm của một chiều muộn cuối đông. Đèn không bật. Ngoài kia ô cửa sổ vàng vàng, có tiếng hát Karaoke thỉnh thoảng theo gió tạt vào một bài hát lời Việt nhạc Hoa đang là loại nhạc của số đông quyến luyến.
Chẳng nhẽ cứ ngồi mãi đây. Thật là một kết thúc vô tiền khoáng hậu. Con bé lại vào. Chị nhận ra không phải vì cái dáng núng nẩy thiếu nữ đi đâu va đấy của cô mà là hương rượu. Ấm nóng, ngọt ngào. “Con gái ơi. Cô có một mình, có cho cô về không?”. Con gái mười bảy giọng hơi dính lại: “Chú bảo cô chỉ say khi uống cùng chú. Chú cũng chỉ say khi ngồi với cô. Còn uống một mình. Không ai say hết”. Rồi lặng đi, giọng khề khà: “Uống đi cô. Cô vừa bảo lâu lắm cô mới lại đến đây”.
Hôm nay sinh nhật con gái. Bây giờ con gái mười chín và mẹ bốn ba. Khách đến Chân Quê, mẹ con mời rượu miễn phí. Người quen dắt theo người lạ, vào đến nhà là vui và thành người thân tất. Bàn ghế, không đủ thì ngồi xuống đất, uống càng phê. Một số khách bảo sao không kê thêm bàn cho vào chỗ góc khuất, gần cửa sổ. Con gái mười chín lắc đầu, bảo chỗ đó cháu còn kê bàn làm việc. Mọi người hỏi con gái làm việc gì. Con gái mười chín bảo: “Cháu ngồi viết văn”. Nghe đến thế, chẳng ai dám đòi vì tuy chẳng hiểu ngồi viết văn thực sự là thế nào, nhưng ai trong đời cũng từng thích thích một câu chuyện nào đó, đọc và nhớ rất lâu. Nếu không có những người viết ra những câu chuyện đó, họ lấy gì mà đọc? Tóm lại. Cháu viết được văn là quý. Và phải  có một góc ngồi riêng là đúng rồi. Mẹ bốn ba sau khi đợi con mười chín thổi nến bánh ga tô, đợi người chồng mới hiền lành trung thực, ít nói nhưng hễ cứ nói là ông ổng như đang ngoài bãi biển, chỗ đông người, bưng chum rượu cần đặc sản mời khách lạ khách quen mỗi người một hít, tuyên bố con gái nay là chủ Chân Quê. Các khách quý hãy coi quán như nơi dừng chân tìm chỗ dễ chịu xua đi cái khó chịu dù chỉ trong chốc lát. Mẹ bốn ba đẹp đằm thắm, có sổ người hơn một chút càng mỡ màng, ôm con gái mười chín má hồng hây hây và bảo con nói gì với mọi người đi chứ. Con gái mười chín cười cười, nụ cười say như men: “Cháu còn bé, không biết nói gì, trước là cảm ơn tất cả các tửu khách sau con xin tuyên bố, được đổi tên Chân Quê thành Rượu Cúc”. Rồi cẩn trọng bưng chiếc khay có bình rượu cúc nóng cùng 3 chiếc chén hạt mít về phía bàn làm việc. Con gái mười chín rót không giọt ra miệng bình giọt nào sâm sấp ba chén, và cụng vào nhau.
Hơi lặng đi một chút. Nhìn những quyển truyện của anh. Chiếc bút kỷ vật của anh tặng, chị mang làm kỉ niệm hôm cuối cùng chị đến để cả nhà vào Nam, cái miệng xinh lẩm bẩm nhại giọng chị: “Cạn nào”. Con gái mười chín uống lần lượt ba chén rượu.
Tấm biển Chân Quê được gỡ xuống. Ông bố dượng ít lời nhưng chất lượng âm thanh tuyệt hảo trèo leo cùng bà bác mắt sáng treo tặng cô con gái riêng của vợ tấm biển mới. Trên một nền những bông cúc vàng nhảy múa một chữ Rượu.
Nhiều năm sau. Khách lạ khách quen đến quán Rượu Cúc. Uống rượu gì thì uống. Ăn gì thì ăn. Muốn ngồi đến lúc nào cũng được. Nhưng khi về. Bao giờ cũng được cô nhà văn chủ quán hông nở, miệng xinh, mời tráng miệng một chén rượu cúc ấm ấm, mềm mại và đậm đà mật ngọt, như thể dòng mật đó âm thầm, triền miên chảy trong lòng đất và thấm đẫm vào những cánh rừng hoa cúc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét