Cách đây không lâu, có nhà báo hỏi tôi “Chị thấy
sao, khi có ý kiến muốn chập hai cái Tết làm một” Tôi nghe điều đó trong sự ngỡ
ngàng, thảng thốt. Cái gì vậy? Bỏ Tết cổ truyền để có nhiều thời gian làm việc,
để tăng trưởng kinh tế…Ôi trời ơi. Những ngày tháng này, điều tốt đẹp đang dần
biến mất, nếu có thì phải ẩn nấp khá kỹ bởi cái ác, sự vô cảm mọc nhanh như cỏ
dại sau mưa. Con người đang mất dần sự thanh thản, bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền,
kế sinh nhai. Đám đông ngày càng đông mà
nụ cười thì khan hiếm dần, thay vào đấy là nỗi nhọc nhằn vặn nát những
khuôn mặt không giấu được. Còn gì vui nữa, khi hơn ba trăm ngày ai cũng hớt hải.
Từ những em bé ngủ gật đến trường, đến những đám đông ngày càng đông trên khắp
con phố lặn lội mưu sinh. Một năm có năm trăm hay một nghìn ngày cũng không đảm
bảo người ta có thể sung sướng hơn, đất nước hứa hẹn giàu lên nếu toàn dân đi
làm thêm vài ngày!
Ăn dè ngày
Tết
Tản văn của NGUYỄN THỊ THU HUỆ
Vào những ngày rét giữa mùa đông, nhiệt độ loanh quanh từ 10 đến 12, liên
tục không khí lạnh tăng cường, đường phố không vì thế mà lạnh. Các loại cúc,
thược dược, hồng phai đồng tiền cẩm chướng tươi thắm sắc màu đằng sau những chiếc
xe đạp của người bán rong lang thang trên những con phố nhỏ trong không gian
xam xám. Dọc những con đường từ ngoại ô vào thành phố, những vườn cúc, vườn hồng
ươm vụ quan trọng nhất trong năm, bắt đầu nở, chuẩn bị vào Tết. Tết cổ truyền
như một món quà quý, một phần thưởng cho tất cả mọi người một năm đầy ắp những
sự kiện, vui buồn, biến cố.
Từ
nhỏ, tôi và những người thân luôn dùng món quà quý giá này một cách ý nghĩa nhất,
vì mỗi năm, chỉ có một lần thôi. Tôi đặc biệt thích những ngày cuối cùng của
năm. Thay áo cho ngôi nhà mình sống bằng những chậu hoa mới, những khung cửa
thay màu sơn hay treo lại những bức tranh, kê lại bộ bàn ghế. Đôi khi, chỉ là dịch
chuyển, nhưng cảm giác khác ngày hôm qua đã là mới. Mua sắm là thứ khiến tôi phấn
khích, cho dù không phải mua cho mình. Bọc đồ mang lên nhà bác, bọc đồ kia gửi
tặng nhà người thân, rồi quần áo mới cho mẹ, cho con, cháu. Bạn bè nhắn tin chíu
chít “Năm nay đào phai Lai Châu hay Sapa đấy”, “Chị mua miến đặc biệt cho em, rượu
nếp cẩm nữa, mai lấy nhé” rồi mùng ba xem phim rạp này, mùng bốn ăn cơm nhà
kia…
Càng
ngày, tôi càng nâng niu những ngày Tết. Kẽo kẹt qua gần bốn trăm ngày làm việc
không nghỉ, bỗng nhiên, được tặng những ngày thong dong, chậm rãi, không gì
đáng giá hơn. Vì quý và vô giá nên tôi tiêu dùng rất dè xẻn. Những cuốn sách
mua nhiều trong năm, một nửa chưa đọc vì thiếu thời gian, sẽ đọc nơi quán cà
phê ngoài vườn, dưới những gốc cây và gió lạnh phủ lên mặt luôn gây cảm giác phấn
khích, nhất là vào những ngày Hà Nội cực thưa vắng người. Những bộ phim hay nhất
của năm, còn nhiều lắm, chưa xem, nay mang ra, nhấm nháp để thấy một đời sống đặc
biệt nhưng rất gần, giúp mình ngộ ra nhiều điều mà chỉ có ở người khác mới tác
động đến. Những cuộc gặp bạn bè, biết là người tri ân tri kỷ nhưng có thấy hàng
ngày đâu, giờ là lúc ngồi bên nhau, hít mùi café quyến rũ, tranh nhau nói những
điều không sợ nói ra,gặp kẻ tâm xấu, khoái cảm với cái ác sẽ suy diễn làm đau
lòng mình.
Trước
Giao thừa, thường cảm giác phấn khích xâm chiếm thì sang năm mới, sự thư thái
bình yên như làn sương, hơi lạnh không khí, phủ trùm lên tất cả. Từ nhiều năm rồi,
sáng mùng một Tết, tôi hay lang thang trên các con phố cũ của Hà nội. Lương văn
Can, Hàng Đồng, Hàng Mã…thưa vắng, heo hút dài như thể sau một đêm, người ta đã
kéo nó ra. Ngồi uống chén trà mạn của bà cụ giữa phố vắng, hơi mát lành của
ngày đầu tiên thấm li ti trên da, ngắm những nụ cười của người lạ đi ngang qua…
Cách
đây không lâu, có nhà báo hỏi tôi “Chị thấy sao, khi có ý kiến muốn chập hai
cái Tết làm một” Tôi nghe điều đó trong sự ngỡ ngàng, thảng thốt. Cái gì vậy? Bỏ
Tết cổ truyền để có nhiều thời gian làm việc, để tăng trưởng kinh tế…Ôi trời
ơi. Những ngày tháng này, điều tốt đẹp đang dần biến mất, nếu có thì phải ẩn nấp
khá kỹ bởi cái ác, sự vô cảm mọc nhanh như cỏ dại sau mưa. Con người đang mất dần
sự thanh thản, bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền, kế sinh nhai. Đám đông ngày càng
đông mà nụ cười thì khan hiếm dần, thay
vào đấy là nỗi nhọc nhằn vặn nát những khuôn mặt không giấu được. Còn gì vui nữa,
khi hơn ba trăm ngày ai cũng hớt hải. Từ những em bé ngủ gật đến trường, đến những
đám đông ngày càng đông trên khắp con phố lặn lội mưu sinh. Một năm có năm trăm
hay một nghìn ngày cũng không đảm bảo người ta có thể sung sướng hơn, đất nước
hứa hẹn giàu lên nếu toàn dân đi làm thêm vài ngày!
Ngỡ
ngàng thảng thốt không tin là đến một ngày, có những điều nhân bản từ nghìn đời
của cả một dân tộc được coi là vĩnh cửu bỗng bị mang ra xem xét để xóa sổ
Không
còn Tết cổ truyền – đào sẽ là loại cây làm hàng rào như tầm xuân, hoa giấy. Mai
vàng miền Nam
sẽ thế nào nhỉ? Khó làm hàng rào vì nắng quá, hoa không được chăm sẽ héo rũ. Đường
phố vẫn nhuốm màu chì xám xịt của những ngày cuối đông. Triệu triệu người lầm lụi
hay hớt hải như vài trăm, vài nghìn ngày vẫn thế ..Không còn Tết Cổ truyền, ông
bà, cha mẹ bớt được gặp con cháu xum vầy xúng xính quần áo mới chúc Tết ông, Tết
bà mạnh khỏe bách niên giai lão…
Không
còn Tết cổ truyền là mất món quà quý giá. Chúng ta có thể kiếm được rất nhiều
tiền. Tiền có thể giúp chúng ta đổi căn nhà, mua thêm cái xe hơi…nhưng mãi mãi,
chúng ta không thể mang tiền đó đi mua được sự bình yên trong vòng tay, nụ cười
của người thân, sự thong dong tĩnh lặng nhìn lại mình sau một năm lao động. Trẻ
con không được khoe áo mới, các gia đình không được ngồi quanh mâm cơm để kể
cho nhau đủ mọi chuyện, hay cùng nhớ về ông bà. NHững người con làm ăn xa quê sẽ
miên miết đi để vài năm một lần, cuống cuồng nghỉ phép về thăm mẹ, mắt mẹ mờ chẳng
thấy rõ mặt con. Hương sẽ bớt thơm trên những bàn thờ tổ tiên, bánh chưng, bánh
tét chỉ có ý nghĩa như bánh khúc, bánh bao, bánh giò…
Tôi
không dám nghĩ thêm về những điều vô giá, nhân bản của người Việt từ nghìn đời
sẽ mất..
Không
còn Tết cổ truyền, chúng ta sẽ dần lạc lối, để rồi, chỉ có đi và vĩnh viễn không trở về.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét