Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

NHÌN ĐÂU CŨNG THẤY VẤN ĐỀ CỦA VĂN CHƯƠNG


02.09.2007 03:35
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ
"Người đọc bây giờ đa dạng, thông minh và sòng phẳng. Không ai định hướng được họ. Vậy thì tôi đâu cần phải lo cho người viết - đồng nghiệp của tôi điều gì..." - Nguyễn Thị Thu Huệ.
PV: Trước hết chị quan niệm thế nào là cách tân trong văn học?
NGUYỄN THỊ THU HUỆ: Nhà văn nào khi đặt bút viết cũng muốn viết những tác phẩm đáng giá, với mình, người thân của mình và sau đó là với người đọc. Chuyện cách tân không phải bây giờ mới được quan tâm, mà từ thời xửa thời xưa, cũng là vấn đề rồi. Tôi biết, có nhiều nhà văn, cách tân với họ là kể một câu chuyện thật giản dị, nhưng lại mang ý nghĩa khái quát cao. Một số người khác, cách tân theo kiểu thể hiện tác phẩm của mình như không gian đa chiều, nhiều mặt… Mỗi người, quan niệm cách tân một khác.
Tôi thì hiểu một cách giản dị là: Cách tân - với tôi - là làm sao người ta đọc xong một tác phẩm (Ở nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ) phải thấy thích (tính hấp dẫn) trong lúc đọc. Đọc xong, nhớ được một nhân vật, hay nhớ nguyên một cốt truyện, hoặc nhớ một chi tiết… Tóm lại, cách tân là cách mà nhà văn với tác phẩm của mình đến được với người đọc. Còn cách tân kiểu gì, là tùy vào quan niệm và tài năng của người viết đó.
Nói hơi ngoài lề một chút, là tôi rất thích thơ của những nhà văn, những câu thơ giản dị, nhưng ám ảnh, có vẻ không quan tâm tới cách tân như thơ của nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phan Thị Vàng Anh hay Nguyễn Thế Hoàng Linh. Đây là ý thích của riêng tôi. Còn những người khác, thích thơ của những nhà thơ khác… Điều đó cho thấy, cách tân hay không, với riêng tôi, không quan trọng bằng việc khi mình tiếp cận với một tác phẩm, mình thích là được. Không quan trọng tới việc là người đó đang cách tân hay không.
PV: Trong xu hướng cuộc sống hiện nay, các nhà văn lao vào vấn đề xã hội nhiều, và dường như những chi tiết ấy thích hợp hơn với thể loại bút ký, phóng sự. Làm thế nào để người viết chọn lọc được những chi tiết của văn học ?
NGUYỄN THỊ THU HUỆ: Tôi nhìn đâu cũng thấy vấn đề của văn chương. Mỗi tuổi, nhìn mỗi sự vật hiện tượng bằng một cái nhìn khác, một sự suy luận khác. Văn là đời. Kể cả những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng cũng bắt đầu từ cuộc sống, nhưng được thể hiện theo cách riêng. Bút kí, phóng sự là chuyện thật, người thật, cũng là những gợi ý rất cần cho nhà văn. Tôi thấy, với một nhà văn có tài, và chuyên nghiệp, thì điều gì xảy ra xung quanh, họ cũng biết cách để đưa vào tác phẩm của mình. Tôi đặc biệt thích Murakami, và thấy ở con người này ngoài chuyện đó là một nhà văn có tài, chuyên nghiệp, ông còn là một người dấn cái đời mình tới cùng với những điều mình thích (từ cách sống cho tới cách trở thành một nhà văn lớn). Cách nhìn nhận thực tế, qua những chiêm nghiệm riêng, làm thành tác phẩm. Rất gần đời sống nhưng lại không những không tầm thường hóa văn chương,mà mỗi tác phẩm đều mang những triết lý riêng, sâu sắc.
PV: Nhân nói về việc chọn lựa chi tiết thì có một điều chúng ta cần phải bàn là sự trường hơi trong sáng tác của các nhà văn. Rất nhiều tác giả xuất hiện rất rực rỡ và tắt ngay. Một phần có phải vì họ thường chỉ diễn đạt qua kinh nghiệm của cuộc sống hàng ngày, với những chuyện có ít nội dung, và những vấn đề nhỏ nhặt mà ít nghĩ đến thân phận con người, với những điều lớn lao. Điều đó mới nghe thì thấy thuận, hợp lý nhưng ngẫm kỹ rõ ràng rằng nếu một nhà văn có tài, một nhà văn “tinh” thì có thể từ một câu chuyện của một người, của một cá nhân họ có thể khai thác và viết nên tính cách của một dân tộc. Như vậy chi tiết đã trở thành linh hồn của một tác phẩm văn học. Chị suy nghĩ gì về vấn đề này?
NGUYỄN THỊ THU HUỆ: Câu hỏi của chị cũng có thế coi là câu trả lời luôn rồi. Nhưng tôi thì thấy khác. Tôi không bao giờ nghĩ to tát chuyện có nhà văn bừng sáng lên bằng một vài truyện ngắn hay cuốn tiểu thuyết, mấy bài thơ rồi tắt vì điều này điều nọ… Cuộc sống thời nào cũng ngồn ngộn chất liệu, một chuyện “nhỏ xíu” như người ta đánh bạc cả triệu đô rồi bị bắt, rồi bị xử theo tội đánh bạc nhưng không ai hỏi là người đấy lấy tiền đâu mà đánh bạc, truy nguồn gốc xuất xứ thu nhập… cho đến những chuyện lớn lao hơn như cây cầu Văn Thánh suốt ngày sửa… bằng nhiều nghìn tỉ… Nếu gọi để cần có những tác phẩm đề đời, tôi thấy chất liệu thời nào cũng nhiều. Thời chiến tranh có chất liệu thời chiến tranh. Thời bình có chất liệu thời bình. Murakami viết "Biên niên kí chim vặn dây cót" có chương về thời chiến, nhiều chương về thời bình, sao hấp dẫn và đa chiều tư tưởng đến thế? Mỗi một lần đọc, là một lần hiểu tác phẩm một khác? Chắc chắn khi Murakami viết, ông không hằm hằm hạ quyết tâm là phải viết cho ra một tác phẩm kiệt xuất hay phải thấm đẫm tinh thần dân tộc. Ông sống tới cùng, viết tới cùng, và được đón nhận ở khắp thế giới. Vậy thì, cái gì làm ra một tác phẩm lớn? Tôi thấy, duy nhất, để có một tác phẩm lớn, chỉ cần một điều. Là có nhà văn lớn. Vậy thôi. Khi có một nhà văn lớn, với vốn hiểu biết về vấn đề họ định viết như lịch sử, chiến tranh, môi trường, hay thế giới động vật… cộng thêm một cái nền căn bản là sự suy luận mọi chuyện qua đời sống chính cá nhân họ, những thăng trầm, được mất… họ cũng tự biết sẽ lấy gì, bỏ gì, tưởng tượng ra những gì từ hiện thực cuộc sống…
PV: Và tôi thấy rằng chính bạn đọc trong cách thưởng thức văn hóa của mình cũng có cách lựa chọn chi tiết riêng. Nếu người nào thích thể loại thông tấn, họ sẽ chọn những tác phẩm ngắn, nhiều sự kiện, dễ đọc, mất ít thời gian hơn là đọc những câu văn khi thì dài quá, khi lại ngắn quá, khó đọc, tốn thời gian. Chị có lo sợ khi văn chương đang đứng trước những thử thách của nhiều bạn đọc như vậy không?
NGUYỄN THỊ THU HUỆ: Tôi không sợ vì tôi tin là nếu có những tác phẩm văn học hấp dẫn, hay (bất kể ở thể loại nào) thì người đọc sẽ đón nhận. Nếu nhà văn mà sợ những trào lưu mới của công nghệ thông tin như vậy, chắc không ai muốn viết tiểu thuyết nữa. Tôi thì thấy ngược lại. Công nghệ thông tin càng phát triển, thế giới càng phẳng, thì nhà văn càng có cơ hội viết ra những tác phẩm lớn. Ít ra, là nhà văn thời này sướng hơn các thế hệ nhà văn trước là luôn được cập nhật thông tin, và khi viết về một vấn đề gì, có thể tìm hiểu khá rõ và tương đối chính xác về vấn đề đó, chứ không thiếu và đói thông tin như ngày trước. Quanh đi quanh lại, chỉ là vấn đề. Đấy là, nhà văn có ngồi vào bàn, một mình, và viết hay không.
PV: Ngay cả bản thân người sáng tác như chị, khi văn học đòi hỏi nhiều thời gian hơn để suy nghĩ, để trằn trọc trước con chữ thì chị cũng lại dành cho nó ít thời gian, mà lại ưu ái hơn với điện ảnh. Điều đó chắc không phải là niềm đam mê văn chương đã không còn nhiều?
NGUYỄN THỊ THU HUỆ: Đam mê thì luôn có, nhưng viết là một thử thách. Có lúc, viết được những điều mình muốn viết, mà đọc thấy cũng được. Có lúc, viết được những điều mình muốn viết, nhưng đọc chưa thấy được, thế là cất kho. Giản dị thôi mà chị, nhà văn là tác phẩm, mình yêu thương nó, trân trọng nó, thì mình sẽ được nó yêu thương và trân trọng lại. Tôi không thấy vội lắm, khi chưa thật thích chính những dòng của mình viết ra, thì chưa công bố thôi. Còn điện ảnh, cũng là một thứ tôi yêu thích, sau văn chương. Nhưng không phải vì yêu cái này mà bỏ cái kia. Dạo này, tôi thích viết tản văn. Có lẽ, ý thức công dân đang trỗi dậy quá mạnh (cười) trước những “thói hư tật xấu” và những điều đẹp đẽ mất dần đi của xã hội, nên quay sang viết tản văn, tạp bút cho bớt “bức xúc”. Nhưng văn chương là tri ân tri kỉ, không bao giờ bỏ nhau hết.
PV: Có ý kiến “Sau 20 năm, bước đầu giới nghiên cứu đã có sự đánh giá thành tựu văn học đổi mới, nhưng nói chung nó chưa nhiều và chưa định hình, các giá trị văn học cũng chưa rõ ràng. Nếu nói văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới đang ở đâu thì rất khó, có lẽ nên nói chúng ta đã bằng lòng hay chưa mà thôi. Tất nhiên chưa thể bằng lòng được”. Sự thực là chúng ta đã đạt được những thành tựu rất lớn trong văn học, văn học hoàn toàn mở cửa, và nhà văn được tự do sáng tạo, từng vận hội của đất nước đều được văn học phản ánh. Và các giá trị văn học đã được bạn đọc, nhà phê bình định giá. Ý kiến của chị như thế nào?
NGUYỄN THỊ THU HUỆ: Cũng không cần phải lo lắng nhiều về chuyện này. Vì tôi thấy những nhà văn chuyên nghiệp và một số bạn viết mới đang ngày đêm viết. Tôi không quan tâm lắm chuyện tác phẩm khi ra đời là thế nào mà quan tâm chuyện các nhà văn vẫn đang viết, vì nghề viết là sự sáng tạo cá nhân, âm thầm. Điều đó cho thấy nền văn học Việt Nam đang phát triển, và hứa hẹn sẽ có tác phẩm lớn. Riêng tôi, văn học Việt Nam thời nào cũng có những tác phẩm giá trị. Thước đo những giá trị đó nằm ở mỗi cá nhân người đọc, chứ không phải xã hội hay một tổ chức nào đó quyết định.
PV: Khi chị đọc các sáng tác của các bạn viết trẻ hiện nay, điều chị vui mừng nhất là gì, và điều chị lo âu nhất là gì?
NGUYỄN THỊ THU HUỆ: Tôi có lẽ là người chăm mua sách và hào hứng đọc sách của các cây viết mới (Không hẳn trẻ tuổi, nhưng mới xuất hiện) không giống như một số người chỉ đọc tác phẩm của những nhà văn tên tuổi, hay sách dịch mà biết chắc đó là sách hay. Tôi thì đọc tất. Trên báo, trên những tuyển tập… Đơn giản là, mình hãy mua sách của mọi người, âm thầm làm một độc giả của những người viết ngày càng hiếm của văn chuơng. Tôi vui, vì cứ vài ngày ra hiệu sách, là thấy có sách mới. Hay, dở, chưa biết, nhưng biết ngay là có thêm người viết mới, hoặc một bạn văn có sách mới. Còn lo âu, tôi không lo âu gì với bất cứ ai mới viết hoặc vẫn viết, vì cứ viết được là tốt. Lo là lo người viết và yêu việc viết ít đi thôi. Riêng về chất lượng mỗi tác phẩm, tôi không bao giờ lo cho người viết, vì độc giả mỗi người một gu thẩm mĩ, một quan niệm. Không thể lấy tư tưởng, ý thích của người này áp đặt cho người khác. Vậy thì với người viết, cứ viết những gì họ tâm đắc, viết tới tận cùng con người họ. Còn được bạn đọc yêu quý hay ghét bỏ, là chuyện khác… Người đọc bây giờ đa dạng, thông minh và sòng phẳng. Không ai định hướng được họ. Vậy thì tôi đâu cần phải lo cho người viết - đồng nghiệp của tôi điều gì. ..

THU HUYỀN (Theo báo Văn Nghệ Trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét