Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

NGƯỜI ĐẸP VIẾT VĂN


Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.
"Với tôi, văn chương chưa bao giờ là những điều thần bí, chỉ đơn giản đó là một phần của cuộc sống mà những ai đã trót mang nặng kiếp người đều lấy đó để cất bớt đi gánh nặng đa mang", nữ nhà văn bộc bạch.

Công việc viết văn thuộc về thế giới tâm linh, đòi hỏi phải có sự hết mình. Bởi thế, khó khăn lớn nhất của tôi mỗi khi ngồi vào bàn viết chính là sự phân tâm. Phụ nữ viết văn không phải chuyện đơn giản, bởi bên cạnh còn biết bao chức phận khác. Làm con đối với mẹ, làm mẹ đối với con, chỉ riêng hai điều đó cũng đủ để tôi bù đầu cả ngày. Nếu trong gia đình, người bố viết văn, thì ngay tức khắc công việc đó mới thiêng liêng làm sao. Nếu là đêm mùa hè, người vợ sẽ lặng lẽ đặt lên bàn một cốc nước mát, rồi suỵt lũ trẻ không được làm ồn "để yên cho bố làm việc". Còn người mẹ viết văn như tôi, liệu có thể từ chối con mình khi chúng đến nắm áo vòi vĩnh, trong lúc đang say sưa với những ý tưởng văn chương sáng tạo. Chính vì sự phân tâm ấy mà tôi luôn bị giằng xé giữa những khái niệm hết mình. Hết mình với văn chương hay hết mình với chức phận người phụ nữ trong gia đình? Nhưng cũng có lẽ nhờ điều này mà tôi mới viết nên nhiều mảng đời với những sinh hoạt bình dị của đời sống con người.

Khoảng trời trong văn của tôi gói gọn trong cuộc đời các nhân vật. Những người con gái háo hức bước chân vào tình yêu, những người đàn bà sống với ngổn ngang trăm mối tơ vò trong bi kịch tâm hồn không lối thoát. Họ là những con người của thời hiện đại, của những năm tháng mà lối sống bản năng, những khát vọng hướng thiện, hạnh phúc, khổ đau đôi khi chỉ chênh nhau mỏng manh như sợi tóc. Nếu văn chương nói vấn đề thời đại mà chất văn không có, tác phẩm sẽ mang tính ký sự. Ngược lại, văn chương điệu đà quá, sẽ giống như một nồi nước phở không có xương hầm, chỉ có vị phở, váng mỡ, cũng chỉ đánh lừa người ăn một bát mà thôi.

Có một dạo, mọi người nhìn tôi như thể người "ưa gây gổ" khi tôi đưa vấn đề tác quyền văn học ra tranh cãi. Nhưng đó chẳng qua là chuyện không thể đừng. Ai đời tuyển truyện của tôi mà không thèm nói một câu, lỗi in sai be bét. Cái tôi cần không phải là lời xin lỗi hay nhuận bút, mà chỉ cần độc giả hiểu rằng văn chương Thu Huệ không phải chỉ vài ba truyện ngắn in đi in lại kiểu "quay vòng vốn" như vậy. Mỗi tập truyện ngắn của tôi khi in chung hay riêng, bao giờ tôi cũng đích thân cặm cụi sửa đến từng lỗi nhỏ. Tôi là người cẩn trọng và tương đối quyết đoán với các tác phẩm của mình.

Với tôi, những chuyến đi xa tìm để tìm cho nhân vật của mình một tính cách chỉ có được trong văn chương. Bởi với bao chức phận đời thường đang níu giữ, phải kiên gan đến đâu người ta mới dám lên đường.

(Theo Nông Thôn Ngày Nay)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét