|
|
Câu chuyện đại chiến
Vào ngày thứ tư, rạp chiếu phim giảm giá 50% cho
sinh viên.
Anh thông báo: xem
lại Xích Bích.
Dù là đã thuộc từng
hình, từng câu thoại hay âm thanh ấn tượng của Xích Bích, tôi vẫn sáng mắt,
gật đầu, hỏi: “Mình đi với ai”? Anh cười: “Ít nhất là hai đứa. Nhiều là bốn”.
Câu sau cùng, anh nói khi chạy phầm phập lên gác. Sàn nhà gỗ bắt đầu rung khẽ
vì âm bass phát ra trên phòng anh trai.
Phòng tôi tầng dưới. Anh ở trên, cách nhau cái
sàn gỗ. Tôi làm gì ở phòng mình, anh không biết. Nhưng anh làm gì bên trên,
tôi có thể đoán được đúng bảy mươi phần trăm. Phòng tôi có sáu cái bể cá. Bốn
bể nước ngọt, hai bể nước mặn. Để chúng vào chung căn phòng mười lăm mét
vuông thật bất tiện. Không chỉ có quá nhiều hơi ẩm trong không khí, quá nhiều
tiếng ồn của máy lọc, máy sủi tạo ô xi, tiếng nước chảy qua bộ lọc xối ngược
xuống triền miên đều có thể chịu được do quen tai, mà gay go là chế độ sống
của những con cá đế vương đó hoàn toàn khác nhau về thời tiết. Cá biển ưa
lạnh. Cá nước ngọt ưa nóng. Mùa đông, lúc những Nemo... sung sướng vẫy vùng
và béo tròn từng ngày thì La Hán hay Rồng ẹo ẹo vì lạnh. Ngược lại, mùa hè
đến, bọn La Hán phổng phao bao nhiêu thì Nemo... lại lừ đừ bấy nhiêu. Biết
thế, nhưng tôi luôn hào hứng với việc mình được thừa kế tất cả những gì từng
là niềm vui, từng là tình yêu của anh trai mình. Và phải giải quyết một cách
hiệu quả nhất, theo sự chỉ đạo một lần vô cùng tận tụy của anh. “Với cá nước
mặn, mùa hè nóng, nếu không bật máy lạnh, chú lấy mấy chai nước lã cho vào
ngăn đá, thành những chai đá, rồi thả vào bể nước mặn cho cá mát” hay “Mùa
đông, khi nào nhiệt độ ngoài trời xuống dưới mười lăm độ, thì chú cắm cái sưởi
này cho cá rồng. Để hai mươi bảy độ là tự ngắt điện. Lạnh là ngoẻo đấy”.
Tôi từ lâu tự nhận biệt
danh cho mình là Lười. Ngày nhỏ, mẹ nói: “Con lười tắm quá, không béo được
đâu”, hay “đến ăn mà cũng không buồn nhai, sau làm sao thành chủ gia đình
đây?” Rồi bố: “Sao không đi đá bóng với bọn ở lớp? Ngày xưa, bằng tuổi con,
bố đá bóng ở tất cả các bãi cỏ khu Hoàn Kiếm, hay bãi sông Hồng”. Anh thì:
“Chú mà một tuần mới gội đầu một lần, rụng hết cả tóc đấy”. Lâu dần, tôi đâm
yêu quý chữ Lười như thể nó là một phần thân thể. Khi mọi người quên cái tên
thân thương đã theo tôi bao tháng ngày, tôi tự nhắc nó bằng cách cố tình
không làm một việc gì đấy, để có cớ nhờ mẹ, nhờ anh, rồi tự nhận:
“Không biết con là thằng lười à?”
*
Tôi tiếp nhận tất cả
những gì anh bàn giao, không đắn đo, bởi tôi vốn không thiết nghĩ nhiều về
một chuyện gì đó. Cụ thể là: sáu cái bể cá. Hai con chó nửa tây nửa ta, bốn
con mèo, một con rùa... và khoảng bảy chị: bạn gái, người yêu rồi, đang định
yêu rồi bỏ... của anh trai. Anh năm nay 25. Còn tôi 16.
Thật sự thì với một
thằng nhóc 16 tuổi, khi nuôi tất cả những con vật mà anh bất thình lình mê
mẩn thích, mang về chăm sóc như với con đẻ trong khoảng thời gian sáu tháng
rồi chán, là việc không khó. Sáu bể cá xếp vòng quanh giường ngủ. Cá nào có
thức ăn của cá đó. Ngoài những ngày ăn đồ hộp là viên bột tổng hợp bán sẵn
phòng đói bụng giống mỳ tôm, phở ăn liền của người, là những bữa ăn tươi mấy
nghìn tép sống nhảy tanh tách ngoài chợ mà mỗi khi tôi thả chúng xuống, lũ cá
như biểu diễn thời trang, múa rất dẻo với món ăn khoái cảm. Đấy là cá. Còn
chó và mèo sinh sống ở phòng chung. Chó ăn chung bát với mèo. Hai con chó lần
lượt được anh bỏ vào túi áo khoác mang về. Ban đầu, các em nhỉnh hơn cái ấm
pha trà, lông xù, chân ngắn, bụng chạm đất và rõ ràng là giống chó Tây như
anh trai xác nhận. Nhưng chỉ một tháng sau, với tình cảm quá khích và cách
chăm sóc đặc biệt của anh, chúng đã từng bước khẳng định mình chính là chó ta
có đá qua lai Tây một tẹo rất ít. Chân cao, lưng dài ngoằng, và sủa ông ổng
về đêm khi có cái lá rụng hay lũ chuột chạy đuổi, chửi nhau chí chóe. Đôi khi
khu phố có trộm, thì chó ta bỗng nổi gien lành như chó Tây, vẫy đuôi mừng,
không kêu một tiếng. Hết nhiệm kỳ được sủng ái của chó, thì sang mèo cho dù
chó vẫn lừng lững hiên ngang đi lại quanh nhà. Mèo dễ chịu hơn chó, biết làm
người ta yêu mình nhiều hơn bởi cách làm duyên. Ngoẹo đầu ngủ vắt vẻo nơi cầu
thang, hay dang bốn chân, phơi bụng tênh hênh tô hô giữa đường với một cái
mặt tròn xinh đẹp.
Trong suốt những quá
trình nhập hộ khẩu nhà tôi của các loài thú cưng, là hình ảnh các chị. Tôi
gặp cụ thể bảy chị trong vòng bốn năm (tôi nhớ những chị này vì họ đều đến
nhà “Chào Tí, chị mua cho Tí chè thập cẩm này”. Một chị nghiện trứng chim cút
lộn, thì bao giờ cũng một bịch chị, một bịch em... hay những đặc sản của quê
từng chị xếp la liệt góc bếp như măng muối Lạng Sơn, măng khô Tuyên Quang,
hồng Đà Lạt...). Và bảy chị đó, từ chỗ không biết nhau, rồi biết, rồi ghét,
nói xấu, ghen tuông nưng có một tình cảm đồng nhất của cả bảy người là đều
coi thằng lười tôi là em trai yêu quý.
Anh trai rầm rầm chạy xuống.
Quần bò trễ cạp, thấy rõ từng cuộn lông bụng nâu óng mềm. Râu quai nón, mắt
đen, lông mày rậm và tóc hung “Chú, anh gọi điện rồi, đi với ba đứa”. “Là ba
chị nào”. “Mèo, Bột và Con Con”. “Cái gì? Ba chị đấy không thích nhau lắm
đâu”. Tôi rùng mình. Lập tức một hình ảnh như trong phim chạy qua, là chị Mai
và Hương cao như nhau, khoảng mét bảy mươi, tóc người dài người ngắn, ai
trông thấy mắt cũng dừng lại một lúc. Riêng chị Thúy bé xíu. Anh nói chị Thúy
may, vì cao một mét bốn sáu, thoát được luật cấm đi xe máy vì thừa quy định
một cm. Anh gọi các chị bằng biệt danh: Hương mèo vì chị cho mấy con mèo, Mai
bột vì da ngăm đen, lúc nào cũng như vừa đi tắm nắng về và Thúy con con. Tuy
cao thấp khác nhau nhưng ai cũng xinh. Lườm nhau cũng khiếp. “Không thích
cũng phải thích”. Anh phẩy tay. “Chú chuẩn bị đi, anh chở chú”.
“Thế các chị kia đâu?” “ Tự đến thẳng
rạp rồi”.
Ngồi sau xe máy, đầu óc thằng tôi bắt đầu hoạt
động. Các tình huống đặt ra: đi xem phim, là thưởng thức bộ phim. Với anh và
mình, chắc chắn là như vậy. Nhưng với ba chị kia sẽ không tâm trí tập trung
xem phim mà là xem nhau. Khi xem nhau với một tâm trạng ghen ghét, đố kỵ, sẽ
chỉ thấy cái xấu, và sinh nói xấu khích bác nhau... Tóm lại, là một đại
chiến. Tại sao anh lại làm thế nhỉ? Mà rắc rối thế này, anh lôi tôi vào làm
gì?
Rạp chiếu hiện đại. Bước vào như vào thế giới
khác. Tôi không giấu được căng thẳng. Anh quay sang, đấm cái thụp vào lưng,
cười trắng lóa: “Chú lại tâm trạng rồi. Vô tư đi, không đánh nhau đâu”. Thằng
tôi cười nhạt hoét. Xích Bích xem đã ba lần. Rồi nghe bác nhà báo Yên Ba phân
tích trên VTC mấy lần, thấm thía hay. Nhưng chuyện đồng ý đi lần bốn để xem
Xích
Bích do cái tính lười nói
câu từ chối, là sai lầm. Thở dài cái sượt, đi tiếp. Nếu không lười, thì lúc
này vẫn có thể làm khác chứ không nhắm mắt đưa chân trước bất cứ một việc gì,
ví dụ là việc này.
|
|
Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013
Câu chuyện đại chiến
Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013
VỀ THÀNH PHỐ ĐI VẮNG
có cái gì đó như bất nhẫn trong ngòi bút miêu tả đôi lúc đến lạnh lùng của nhà văn trong truyện ngắn lấy làm tựa sách. Nhưng nhờ vậy, người đọc thấy thấm thía. Phố đông nhưng người phố cô đơn.
Cuộc
sống với những xáo trộn, mất mát và bất an. Đô thị hiện đại, trẻ trung,
năng động nhưng chất chứa trong lòng nó một khuôn mặt thời gian bị bôi
xóa bởi những lãng quên, bị vùi lấp trong chậm rãi ngưng đọng, bị đe dọa
bằng những gam màu loang của sự hủy diệt những giá trị. Thành phố đi
vắng là chuyện về những đôi mắt người như đang ở lưng chừng giữa sự sống
và cái chết, tồn tại nhưng không thật sự hiện hữu. Mà lựa chọn nào cũng
hằn lại những khoảng trống đến hoang mang.
Tôi
vẫn rất nhớ Nguyễn Thị Thu Huệ từ truyện ngắn Hậu thiên đường. Mà từ
thời ấy đến bây giờ đã tròm trèm gần 2 thập kỷ. Một lớp độc giả trẻ cũng
có lẽ cũng đã được thay mới.
Với Thành phố đi
vắng lần này, tôi lại thấy tính cảnh báo trong từng câu chuyện của chị.
Những nhân vật “run rẩy” đi trong chiều dài, và cả chiều sâu cuộc sống
nhưng không ai định hình được con đường sẽ dẫn về đâu. Không một ai.
Những định hướng hoang mang, mục tiêu sống cũng chìm khuất trong cái
nhộn nhịp nhưng bức bối. Khái niệm hiểu thấu và chia sẻ trở thành điều
xa xỉ. Có cái gì đó như bất nhẫn trong ngòi bút miêu tả đôi lúc đến lạnh
lùng của nhà văn trong truyện ngắn lấy làm tựa sách, nhưng cũng chính
nhờ vậy mà người đọc thấy thấm thía. Phố đông nhưng người phố cô đơn.
Tôi
nhớ gia đình nhà Tân - Luyến với thằng con Thái Dương trong truyện Sống
gửi thác về. Cuộc sống của gia đình này chậm rãi từng chi tiết đến mức
người đọc phải tự hỏi rằng rồi thì mọi thứ trong cuộc sống cuối cùng sẽ
ngày qua ngày với những vòng quay trở đi trở lại của sự việc, lời nói
vậy sao? Nhưng rồi Luyến bị ung thư gan. Cái chết của người vốn sinh ra
làm ngọn lửa giữ ấm cho gia đình không ai lường trước được như một điểm
thắt trên chiếc đồng hồ cát để rồi mọi thứ hoàn toàn đảo lộn trong cuộc
sống của “hai thằng đàn ông trong nhà” - một lớn một bé mà nếu chỉ nghe
cách xưng hô thì không biết ai là cha ai là con. Một sự thiếu vắng hẫng
hụt đến tội nghiệp. Mà cũng chỉ khi điều thân quen mất đi, người ta mới
kịp giật mình nhận ra rằng hôm nay còn đây, thì biết mà thương mà lo cho
nhau đi, ai biết ngày mai…
Tôi nhớ Của cha, của
Con và Cành vạn niên thanh. Cuộc sống của “gà trống nuôi con” ngày qua
ngày chen lấn trong cái bí mật về sự ra đi của người mẹ - mà mãi khi đứa
con thiếu vắng tình thương lớn lên mới hiểu được lỗi lầm đó là của cha.
Sự phản bội không thể tha thứ đã làm tan vỡ một gia đình lẽ ra là đã
rất hạnh phúc. Rồi Cha, trong cuộc mưu sinh đã bỏ quên con gái mỗi ngày
phải chứng kiến cảnh vợ chồng nhà hàng xóm “yêu” nhau để rồi nó cũng
bước chân vào cuộc “khám phá” thế giới của người lớn. Chính vào lúc con
trượt ngã, Cha vì cứu người mà nhận lấy những vết chém từ bọn giang hồ.
Nỗi đau nào là lớn nhất trong cuộc đời của Cha, của Con hay tất cả cũng
chỉ là những mảnh ghép rời rã như cách cha đã gắn lá giả cho những cành
vạn niên thanh?
Tôi nhớ những lời lẩm nhẩm sau cùng
của anh chàng tiến sĩ trong Coi như không biết. Mấy chục năm vợ chồng
hạnh phúc, ròng rã cả tuổi trẻ đua theo những học hàm học vị để rồi bị
tâm thần, chỉ nhắc đến số tiền 35 triệu đồng và cô cave. Số tiền không
lớn nhưng đủ giết chết một con người. 3 ngày được yêu thương và chia sẻ
đủ khiến một con người hóa điên khi ngọn nguồn yêu thương ấy mãi mãi mất
đi. Trước cái chết và những ranh giới của sự tồn tại, khái niệm cave
cũng không còn quan trọng, mà chỉ có tình yêu thật sự là tồn tại mãi
mãi.
Tôi nhớ cả những câu nói của các nhân vật,
những dòng cuối để lý giải hoặc đơn giản là để kết thúc cho một khuôn
truyện đủ sức làm nhói lòng người đọc. “Đừng bao giờ để anh một mình -
Ừ, đừng bao giờ…”, “Em không bỏ anh, em đi vì có còn anh nữa đâu”, “Mảnh
giấy báo nơi ở thường trú của cô: Khu 29, Lô E, số mộ 435, nghĩa trang
Bình yên”…
Thành phố của nhà văn, cuộc sống chảy
chậm rãi trong từng mái nhà, ngõ hẻm; và cũng như miền trầm tích giữ lại
từng vết loang của mất mát, của những nhầm lẫn và sợ hãi, của những
cuộc đi, của những chuyến về… Thành phố đi vắng. “Không còn sự lộn xộn
của đời sống thị dân bao đời vẫn thế. Phố vẫn dài, giờ thêm lạnh. Ngày
cuối tuần thành phố như đông máu. Vô cảm, dửng dưng. Thật là khi phát
hiện ra đời sống của một nơi chốn lại có thể tác động tới cảm xúc của
mình đến thế. Xe miên miết trôi. Người miên miết đi”…
Tập
truyện khiến người đọc đôi lúc phải chùng lòng, nghĩ về những mải miết
lao chen trong cuộc sống ở thời đại của bất an và đầy tổn thương này.
Một lời cảnh báo cần thiết - để người phải đi tìm người, tìm lại chính
mình - ngay cả khi phía sau có là những tiếng thở dài…
Tiểu Quyên
NGƯỜI ĐẸP VIẾT VĂN
"Với tôi, văn chương chưa bao giờ là những điều
thần bí, chỉ đơn giản đó là một phần của cuộc sống mà những ai đã trót
mang nặng kiếp người đều lấy đó để cất bớt đi gánh nặng đa mang", nữ nhà
văn bộc bạch.
Công việc viết văn thuộc về thế giới tâm linh, đòi
hỏi phải có sự hết mình. Bởi thế, khó khăn lớn nhất của tôi mỗi khi ngồi
vào bàn viết chính là sự phân tâm. Phụ nữ viết văn không phải chuyện
đơn giản, bởi bên cạnh còn biết bao chức phận khác. Làm con đối với mẹ,
làm mẹ đối với con, chỉ riêng hai điều đó cũng đủ để tôi bù đầu cả ngày.
Nếu trong gia đình, người bố viết văn, thì ngay tức khắc công việc đó
mới thiêng liêng làm sao. Nếu là đêm mùa hè, người vợ sẽ lặng lẽ đặt lên
bàn một cốc nước mát, rồi suỵt lũ trẻ không được làm ồn "để yên cho bố
làm việc". Còn người mẹ viết văn như tôi, liệu có thể từ chối con mình
khi chúng đến nắm áo vòi vĩnh, trong lúc đang say sưa với những ý tưởng
văn chương sáng tạo. Chính vì sự phân tâm ấy mà tôi luôn bị giằng xé
giữa những khái niệm hết mình. Hết mình với văn chương hay hết
mình với chức phận người phụ nữ trong gia đình? Nhưng cũng có lẽ nhờ
điều này mà tôi mới viết nên nhiều mảng đời với những sinh hoạt bình dị
của đời sống con người.
Khoảng trời trong văn của tôi gói gọn trong cuộc
đời các nhân vật. Những người con gái háo hức bước chân vào tình yêu,
những người đàn bà sống với ngổn ngang trăm mối tơ vò trong bi kịch tâm
hồn không lối thoát. Họ là những con người của thời hiện đại, của những
năm tháng mà lối sống bản năng, những khát vọng hướng thiện, hạnh phúc,
khổ đau đôi khi chỉ chênh nhau mỏng manh như sợi tóc. Nếu văn chương nói
vấn đề thời đại mà chất văn không có, tác phẩm sẽ mang tính ký sự.
Ngược lại, văn chương điệu đà quá, sẽ giống như một nồi nước phở không
có xương hầm, chỉ có vị phở, váng mỡ, cũng chỉ đánh lừa người ăn một bát
mà thôi.
Có một dạo, mọi người nhìn tôi như thể người "ưa
gây gổ" khi tôi đưa vấn đề tác quyền văn học ra tranh cãi. Nhưng đó
chẳng qua là chuyện không thể đừng. Ai đời tuyển truyện của tôi mà không
thèm nói một câu, lỗi in sai be bét. Cái tôi cần không phải là lời xin
lỗi hay nhuận bút, mà chỉ cần độc giả hiểu rằng văn chương Thu Huệ không
phải chỉ vài ba truyện ngắn in đi in lại kiểu "quay vòng vốn" như vậy.
Mỗi tập truyện ngắn của tôi khi in chung hay riêng, bao giờ tôi cũng
đích thân cặm cụi sửa đến từng lỗi nhỏ. Tôi là người cẩn trọng và tương
đối quyết đoán với các tác phẩm của mình.
Với tôi, những chuyến đi xa tìm để tìm cho nhân vật
của mình một tính cách chỉ có được trong văn chương. Bởi với bao chức
phận đời thường đang níu giữ, phải kiên gan đến đâu người ta mới dám lên
đường.
(Theo Nông Thôn Ngày Nay)
|
NGÔN NGỮ ĐỘC THOẠI TRONG TRUYỆN NGẮN
Lê Na
Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ thường
biểu thị cá tính mạnh mẽ, dám nhìn thẳng và nói thẳng, thông qua lời kể
của nhân vật kể chuyện xưng “Tôi”. Trong bài viết này, tác giả Lộc Hoàng
Lê Na phân lập và bình luận về yếu tố “độc thoại” đan cài hay tách biệt
với dòng trần thuật của các truyện ngắn đó...
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ sử
dụng ngôn ngữ độc thoại đời thường một cách phổ biến. Việc lựa chọn ngôn
ngữ này xuất phát từ tư duy hướng vào đời tư, bám sát hiện thực đời
sống. Nguyễn Thị Thu Huệ đã đưa vào tác phẩm của mình tiếng nói của đời
sống thường nhật, dung nạp nhiều khẩu ngữ tự nhiên, làm độc giả không
mấy khó khăn khi tiếp cận tác phẩm. Ngôn ngữ này dường như thô nhám, đôi
khi suồng sã, bỗ bã, như: “Mặt mũi những thằng đàn ông suốt đời bị mất
trộm” (Tình yêu ơi ở đâu); hoặc những câu nói từ thành ngữ: “nó ăn ốc,
mình đổ vỏ. Ở đời chuyện ấy thường lắm” (Nước mắt đàn ông). Cũng có khi
thứ ngôn ngữ này được diễn tả theo một chiều hướng khác bằng lối nói dân
gian “lọt sàng thì xuống đất rồi chôn luôn, không có nia nào cả” (Thời
gian của mỗi người). Lối nói suồng sã trong truyện ngắn của chị thể hiện
rõ trong những dòng độc thoại nội tâm suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời
và con người, thể hiện cách nghĩ của nhân vật về thời cuộc, về chính
mình. Những dòng độc thoại nội tâm bằng lối nói dân gian khi suồng sã,
có lúc bỗ bã đến không ngờ làm cho các nhân vật của chị như gai góc hơn,
thực tế hơn, đôi khi là thực dụng về đời với một tâm trạng buồn xa xôi
và chua xót.
Dòng nội tâm của các nhân vật còn được
thể hiện bằng những ngôn từ hiện đại, phóng túng, giàu hình tượng của
đời sống kinh tế thị trường. Điều này làm cho ngôn ngữ của họ cập nhật
hơn, mới mẻ hơn với cuộc sống hiện đại. “Bên B là chùm khế ngọt, bên A
trèo hái mỗi ngày” (Nước mắt đàn ông). Đồng thời Nguyễn Thị Thu Huệ còn
có những dòng độc thoại nội tâm diễn đạt bằng phương ngữ rất đỗi nhẹ
nhàng và duyên dáng. Lối diễn đạt này làm cho dòng nội tâm của nhân vật
diễn ra tự nhiên hơn, không câu nệ vào ngôn từ hay cách diễn đạt của tác
giả.
Đưa vào tác phẩm lối nói dung dị, sử dụng
ngôn ngữ đời thường, cây bút nữ trẻ đã cố gắng rút ngắn khoảng cách
giữa tác phẩm và độc giả. Tiếp xúc tác phẩm truyện ngắn của Nguyễn Thị
Thu Huệ tôi nhận thấy rõ ràng tác giả này đã có những sự rút gần khoảng
cách người kể chuyện và nhân vật, tác giả và bạn đọc. Với lối nói kiểu
đời thường này, chị đã góp phần tái hiện chân thực bức tranh của đời
sống với một gam màu lạ, thể hiện được sự đa dạng và sống động của cuộc
sống.
Những tác giả nữ thường có lợi thế trong
việc diễn đạt sâu sắc nội tâm nhân vật nữ, trong việc bộc lộ đến tận
cùng thái độ, cách cảm, cách nghĩ của giới mình. Sự khám phá thế giới
tâm hồn người phụ nữ được Nguyễn Thị Thu Huệ thể hiện ở mọi phương diện,
từ trạng thái đến tình cảm, những cung bậc của cảm xúc, niềm vui và nỗi
buồn, những khát khao đam mê và cả những “gót chân Asin” của họ.
Công việc nội trợ hằng ngày gắn liền với
người phụ nữ, cho nên trong những dòng suy nghĩ, dòng tâm tưởng của họ
cũng có ít nhiều dấu vết. Nguyễn Thị Thu Hụê đã nhìn màn “đêm đen thẫm
như một miếng thạch” (Cát đợi); ví liên khúc các bài hát như: “một xâu
cá rô quẫy đạp liên hồi” (Cát đợi) và “những người đàn bà khác chạy qua
đời tôi nhạt nhẽo như bí luộc” (Người đàn bà ám khói); hay những cảm
nhận thú vị: “nhiều khi nó thấy ở mồm mẹ nó nói ra những câu đối thoại
giống như một cái chợ bán cá thu nhỏ” (Phù thuỷ), “khuôn mặt méo xệch,
vẹo vọ méo mó như cái oản bẹp” (Phù thuỷ).
Bằng trực giác và cảm nhận sâu sắc, chị
viết nên những tâm sự của giới đàn bà, với những điều giản dị và không
xa lạ với hầu hết phụ nữ. Những tâm sự, niềm vui nỗi buồn rất đàn bà
được Nguyễn Thị Thu Huệ diễn tả tinh tế “Tôi mệt mỏi và thèm nói với anh
những chuyện con con như em Thuý tập lẫy, chuyện nó đi tướt mọc răng”
(Hình bóng cuộc đời)... Ngoài ra chị còn thành công ở diễn tả nội tâm
của người phụ nữ lo về tuổi tác và nhan sắc: “Sao đến bên gương và nhìn
thấy mình trong đó. Mí mắt sùm sụp, dưới mắt mòng mọng sưng, hai vành
môi đã bắt đầu đen và lỗ chân lông trên mặt to ra như những đầu tăm”
(Giai nhân). Có thể nói người đàn bà trong tác phẩm của Nguyễn Thị Thu
Huệ luôn cảm nhận về “cái già đang ập đến” và ngôn từ miêu tả nỗi lo
lắng này trong tâm trạng phụ nữ của Nguyễn Thị Thu Huệ cũng khác biệt.
Cây bút nữ này đã thực sự làm người đọc
xúc động với những trang viết về tình mẫu tử, diễn tả những cảm xúc xác
thực của người đàn bà “thèm có con. Thèm được làm mẹ” (Người đàn bà ám
khói); nỗi đau của người mẹ phải xa đứa con thân yêu “phải xa những gì
lâu nay là máu thịt của chị. Xa đứa con trai bé bỏng thơm tho như một
chiếc bánh ga tô vừa mới ra lò” (Tân cảng). Nỗi lòng của những bà mẹ có
con gái lớn cũng được Nguyễn Thị Thu Huệ thể hiện rất đạt: “Mẹ bảo: lắm
khi đang ngủ, tao giật mình không hiểu mày có lấy được chồng không. Nằm
ngẩn một lúc, nhớ ra là mày đã có chồng, có con tao mừng không thể tưởng
được” (Biển ấm).
Trời phú cho phái nữ trái tim nhạy cảm,
suy nghĩ của họ thường mang màu sắc cảm tính, họ quan sát nắm bắt hiện
thực bằng trực cảm… Khi đọc tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Huệ chúng ta bắt
gặp không biết bao nhiêu cặp từ “hình như” chảy qua những dòng độc
thoại nội tâm rất phụ nữ, những do dự, những tâm trạng lo lắng. Xu hướng
sử dụng với tần suất cao lớp từ đặc tả những khoảnh khắc của tâm trạng,
bộc lộ lối cảm nhận trực giác tạo nên sức ám gợi với người đọc, tôi
nghĩ, rất đặc trưng cho người viết là phụ nữ.
Tái hiện hiện thực tâm lý qua độc thoại
nội tâm bằng ngôn ngữ trực giác và linh cảm, cây bút truyện ngắn này đã
bộc lộ khả năng nắm bắt những biến thái của tâm hồn con người, đặc biệt
là phụ nữ. Đọc truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ người đọc cảm nhận đó
là tiếng lòng của người phụ nữ viết nên từ những trải nghiệm. Dù là lời
lẽ góc cạnh hay những khẩu ngữ đời thường gần gũi, hay ngôn ngữ mang
sắc thái nữ, thì ẩn sau những câu chữ vẫn luôn là tiếng lòng, là những
dự cảm thân phận được viết ra từ sự dẫn dắt tuyệt diệu của mẫn cảm bản
năng.
Giọng điệu độc thoại giãi bày tâm sự
thường gặp ở đây mượn hình thức tự bạch. Hầu hết các truyện ngắn của
Nguyễn Thị Thu Huệ được viết dưới dạng người kể chuyện xưng tôi. Với
hình thức này người kể chuyện tham gia vào câu chuyện như một nhân
chứng, cũng là cách làm tăng độ tin cậy của bạn đọc đối với tác phẩm.
Nhân vật xưng tôi tự kể chuyện mình, bộc bạch những nỗi niềm tâm sự, suy
tư, cảm xúc của mình. Đứng ở điểm nhìn trần thuật này nhiều trường hợp
giọng điệu tác giả và giọng điệu nhân vật hoà làm một.
Với người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, các
chuyện ngắn này bộc lộ xu hướng viết “như một nhu cầu trình bày những
trải nghiệm của bản thân”. Người kể chuyện lúc này xoá đi khoảng cách
trần thuật của mình để đối thoại với độc giả. Nhân vật tự kể về cuộc đời
mình, tự bộc bạch nỗi lòng của mình. Cũng có đôi khi người đọc thấy
dường như “Nhà văn tự đưa mình vào tác phẩm” bộc lộ nhu cầu giãi bày tâm
sự qua nhân vật. Một số truyện của Nguyễn Thị Thu Huệ dù người kể ở
ngôi thứ ba nhưng vẫn mượn giọng tự bạch.
Bằng độc thoại nội tâm, tác giả đã diễn
đạt những giằng xé, dằn vặt của nhân vật trước biến cố cuộc đời, tạo nên
giọng điệu thâm trầm sâu lắng. Trong các tác phẩm độc thoại nội tâm như
là sự giải toả tâm trạng, nhân vật thường đặt câu hỏi cho chính bản
thân mình: “Sao tôi thấy cô đơn và sợ cuộc sống thế này” (Mi nu xinh
đẹp), thừa nhận với mình: “Tôi thấy trống trải và hụt hẫng” (Biển ấm),
khẳng định cho chính mình: “Tôi tin rằng mình lại có tình yêu bởi vì tôi
mất nó quá lâu rồi” (Cát đợi).
Nền tảng của giọng điệu là cảm hứng của
nhà văn. Với sự chi phối của cảm hứng về cái bi, truyện của cây bút này
mang giọng xót xa khinh bạc, đặc biệt là khi nhìn vào mặt trái của cuộc
sống, vào những éo le khôn cùng của những “lỉnh kỉnh, dở dang của cuộc
sống”, những ảo tưởng tình yêu tan vỡ, trống trải và hụt hẫng sau những
nỗ lực để bằng mọi giá có được người đàn ông của đời mình...
Giọng điệu này có trong nhiều truyện như: Người đàn bà ám khói, Hoàng hôn màu cỏ úa, Thiếu phụ chưa chồng, Một chiều mưa…
Nguyễn Thị Thu Huệ thường viết về cái
nhìn đầy nghi kỵ, thậm chí là khinh bạc với giới đàn ông sống thực dụng.
Đàn ông trong tác phẩm của chị thường là nhân vật gây ra những đau khổ
cho nhiều phụ nữ đặc biệt là những cô gái trẻ ngây thơ và cả tin. Người
đàn bà biết rõ nỗi cô đơn ngày càng thắt chặt, nên những dòng độc thoại
nội tâm của họ được Nguyễn Thị Thu Huệ diễn đạt rất sâu sắc. Những nhân
vật nữ trong truyện ngắn của tác giả nữ này suốt cuộc đời không tìm
thấy điểm tựa và họ chua chát khi nhận ra điều đó: “Chị hay khóc với tôi
và cho rằng đàn ông thì cần thật nhưng tốt nhất là không nên có” (Hoàng
hôn màu cỏ úa).
Ngôn ngữ độc thoại biểu thị sự xót xa
khinh bạc của Nguyễn Thị Thu Huệ tỏ rõ một sự đồng cảm sâu sắc. Ngôn
ngữ độc thoại đó còn hài hước châm biếm thể hiện qua cách miêu tả hiện
thực trong tâm tưởng mang sắc thái bi hài: Nguyễn Thị Thu Huệ xây dựng
nên hình tượng người trí thức trong hoàn cảnh túng quẫn về kinh tế, thay
vì nuôi dưỡng những ý tưởng khoa học, hằng ngày anh ta phải nuôi chó
Nhật để mưu sinh. Cũng dưới ngòi bút sắc sảo của Nguyễn Thị Thu Huệ,
người đàn ông trong Hậu thiên đường thảm hại ở cả hai tư cách “làm chồng
và làm người tình”…; những đấng nam nhi đại trượng phu trong con mắt
những nhân vật của Nguyễn Thị Thu Huệ được phác họa là: “những anh chàng
thương gia thì lạnh lùng, thô lỗ. Chàng Việt kiều thì ki bo, bủn xỉn.
Nhà thơ thì yếu đuối, bệ rạc” với cái mặt: “méo mó, vẹo vọ như oản bẹp”
(Tình yêu ơi ở đâu).
Có thể nói giọng điệu độc thoại châm
biếm, hài hước đem đến cho cây bút nữ này một âm hưởng riêng trong các
truyện ngắn phê phán. Những dòng độc thoại nội tâm của các nhân vật
trong các tác phẩm thể hiện cái nhìn hiện thực mang tính dân chủ của
người viết. Với thái độ không khoan nhượng những nghịch lý trớ trêu của
cuộc đời, các trang viết của Nguyễn Thị Thu Huệ góp phần tái hiện bức
tranh hiện thực nhiều chiều.
Quyết liệt khi miêu tả những dòng độc
thoại nội tâm thể hiện những khát khao rất đàn bà nhưng cũng có khi
giọng trữ tình độc thoại đằm thắm trở thành âm điệu chính trong tác phẩm
của chị. Trong văn của Nguyễn Thị Thu Huệ thường có cái gì đó không
thuần nhất, thậm chí đối chọi nhau chan chát, lúc bạo liệt táo tợn, lúc
lại dịu dàng đến bất ngờ. Chao chát, dịu dàng ngây thơ và từng trải, đau
đớn và tin tưởng cứ trộn lẫn trong tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Huệ.
Giọng điệu trữ tình đằm thắm một mặt khơi
sâu vào cảm xúc chủ quan của nhân vật, một mặt lại khơi gợi ở người đọc
những khoảnh khắc rung động tâm hồn giữa dòng chảy hỗn độn của cuộc
sống. Dù với tình cảm đậm nhạt khác nhau, sự tồn tại cả hai mặt đối lập
này trong cùng một cây bút không phải là điều khó lý giải. Bản tính nữ
và khát khao đấu tranh cho sự bình quyền, được lên tiếng trước những bất
công trong đời sống, trước những thực trạng tinh thần của con người, đã
tạo nên tính đa cực của ngòi bút. Đó là bằng chứng về sự đổi mới tư duy
văn học và sự giải phóng ý thức cá nhân - một nhu cầu vừa mang tính nội
tại vừa chịu ảnh hưởng của xu thế thời đại.
Từ ngôn ngữ độc thoại trong các tác phẩm
của Nguyễn Thị Thu Huệ, tôi nhận thấy tư duy nội hướng là một đặc điểm
định tính đã phần nào chi phối đến các phương thức diễn đạt góp phần vào
sự phát triển, vận động của truyện ngắn Việt Nam.
Ngôn ngữ độc thoại là một phần quan trọng
của tác phẩm văn chương. Cùng với ngôn ngữ đối thoại nó hoàn chỉnh tác
phẩm ở góc độ ngôn ngữ. Qua việc khảo sát ngôn ngữ độc thoại trong tập
“37 truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ”, tôi nhận thấy một lối tư duy mới,
cách cảm, cách nghĩ mới mang đậm màu sắc nữ giới. Ngôn ngữ độc thoại nội
tâm trong các tác phẩm truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ góp phần tạo
nên một giọng điệu mới trong giai đoạn văn chương hiện đại sau 1975 với
những sự nhìn nhận đánh giá về một thế giới đa cực của hiện tại.
(Nguồn Văn nghệ
NHÌN ĐÂU CŨNG THẤY VẤN ĐỀ CỦA VĂN CHƯƠNG
02.09.2007 03:35
|
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ |
"Người đọc bây giờ đa dạng, thông minh và sòng phẳng. Không ai định
hướng được họ. Vậy thì tôi đâu cần phải lo cho người viết - đồng nghiệp
của tôi điều gì..." - Nguyễn Thị Thu Huệ.
PV: Trước hết chị quan niệm thế nào là cách tân trong văn học?
NGUYỄN THỊ THU HUỆ: Nhà văn nào khi đặt bút viết cũng muốn viết những tác phẩm đáng giá, với mình, người thân của mình và sau đó là với người đọc. Chuyện cách tân không phải bây giờ mới được quan tâm, mà từ thời xửa thời xưa, cũng là vấn đề rồi. Tôi biết, có nhiều nhà văn, cách tân với họ là kể một câu chuyện thật giản dị, nhưng lại mang ý nghĩa khái quát cao. Một số người khác, cách tân theo kiểu thể hiện tác phẩm của mình như không gian đa chiều, nhiều mặt… Mỗi người, quan niệm cách tân một khác.
Tôi thì hiểu một cách giản dị là: Cách tân - với tôi - là làm sao người ta đọc xong một tác phẩm (Ở nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ) phải thấy thích (tính hấp dẫn) trong lúc đọc. Đọc xong, nhớ được một nhân vật, hay nhớ nguyên một cốt truyện, hoặc nhớ một chi tiết… Tóm lại, cách tân là cách mà nhà văn với tác phẩm của mình đến được với người đọc. Còn cách tân kiểu gì, là tùy vào quan niệm và tài năng của người viết đó.
Nói hơi ngoài lề một chút, là tôi rất thích thơ của những nhà văn, những câu thơ giản dị, nhưng ám ảnh, có vẻ không quan tâm tới cách tân như thơ của nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phan Thị Vàng Anh hay Nguyễn Thế Hoàng Linh. Đây là ý thích của riêng tôi. Còn những người khác, thích thơ của những nhà thơ khác… Điều đó cho thấy, cách tân hay không, với riêng tôi, không quan trọng bằng việc khi mình tiếp cận với một tác phẩm, mình thích là được. Không quan trọng tới việc là người đó đang cách tân hay không.
PV: Trong xu hướng cuộc sống hiện nay, các nhà văn lao vào vấn đề xã hội nhiều, và dường như những chi tiết ấy thích hợp hơn với thể loại bút ký, phóng sự. Làm thế nào để người viết chọn lọc được những chi tiết của văn học ?
NGUYỄN THỊ THU HUỆ: Tôi nhìn đâu cũng thấy vấn đề của văn chương. Mỗi tuổi, nhìn mỗi sự vật hiện tượng bằng một cái nhìn khác, một sự suy luận khác. Văn là đời. Kể cả những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng cũng bắt đầu từ cuộc sống, nhưng được thể hiện theo cách riêng. Bút kí, phóng sự là chuyện thật, người thật, cũng là những gợi ý rất cần cho nhà văn. Tôi thấy, với một nhà văn có tài, và chuyên nghiệp, thì điều gì xảy ra xung quanh, họ cũng biết cách để đưa vào tác phẩm của mình. Tôi đặc biệt thích Murakami, và thấy ở con người này ngoài chuyện đó là một nhà văn có tài, chuyên nghiệp, ông còn là một người dấn cái đời mình tới cùng với những điều mình thích (từ cách sống cho tới cách trở thành một nhà văn lớn). Cách nhìn nhận thực tế, qua những chiêm nghiệm riêng, làm thành tác phẩm. Rất gần đời sống nhưng lại không những không tầm thường hóa văn chương,mà mỗi tác phẩm đều mang những triết lý riêng, sâu sắc.
PV: Nhân nói về việc chọn lựa chi tiết thì có một điều chúng ta cần phải bàn là sự trường hơi trong sáng tác của các nhà văn. Rất nhiều tác giả xuất hiện rất rực rỡ và tắt ngay. Một phần có phải vì họ thường chỉ diễn đạt qua kinh nghiệm của cuộc sống hàng ngày, với những chuyện có ít nội dung, và những vấn đề nhỏ nhặt mà ít nghĩ đến thân phận con người, với những điều lớn lao. Điều đó mới nghe thì thấy thuận, hợp lý nhưng ngẫm kỹ rõ ràng rằng nếu một nhà văn có tài, một nhà văn “tinh” thì có thể từ một câu chuyện của một người, của một cá nhân họ có thể khai thác và viết nên tính cách của một dân tộc. Như vậy chi tiết đã trở thành linh hồn của một tác phẩm văn học. Chị suy nghĩ gì về vấn đề này?
NGUYỄN THỊ THU HUỆ: Câu hỏi của chị cũng có thế coi là câu trả lời luôn rồi. Nhưng tôi thì thấy khác. Tôi không bao giờ nghĩ to tát chuyện có nhà văn bừng sáng lên bằng một vài truyện ngắn hay cuốn tiểu thuyết, mấy bài thơ rồi tắt vì điều này điều nọ… Cuộc sống thời nào cũng ngồn ngộn chất liệu, một chuyện “nhỏ xíu” như người ta đánh bạc cả triệu đô rồi bị bắt, rồi bị xử theo tội đánh bạc nhưng không ai hỏi là người đấy lấy tiền đâu mà đánh bạc, truy nguồn gốc xuất xứ thu nhập… cho đến những chuyện lớn lao hơn như cây cầu Văn Thánh suốt ngày sửa… bằng nhiều nghìn tỉ… Nếu gọi để cần có những tác phẩm đề đời, tôi thấy chất liệu thời nào cũng nhiều. Thời chiến tranh có chất liệu thời chiến tranh. Thời bình có chất liệu thời bình. Murakami viết "Biên niên kí chim vặn dây cót" có chương về thời chiến, nhiều chương về thời bình, sao hấp dẫn và đa chiều tư tưởng đến thế? Mỗi một lần đọc, là một lần hiểu tác phẩm một khác? Chắc chắn khi Murakami viết, ông không hằm hằm hạ quyết tâm là phải viết cho ra một tác phẩm kiệt xuất hay phải thấm đẫm tinh thần dân tộc. Ông sống tới cùng, viết tới cùng, và được đón nhận ở khắp thế giới. Vậy thì, cái gì làm ra một tác phẩm lớn? Tôi thấy, duy nhất, để có một tác phẩm lớn, chỉ cần một điều. Là có nhà văn lớn. Vậy thôi. Khi có một nhà văn lớn, với vốn hiểu biết về vấn đề họ định viết như lịch sử, chiến tranh, môi trường, hay thế giới động vật… cộng thêm một cái nền căn bản là sự suy luận mọi chuyện qua đời sống chính cá nhân họ, những thăng trầm, được mất… họ cũng tự biết sẽ lấy gì, bỏ gì, tưởng tượng ra những gì từ hiện thực cuộc sống…
PV: Và tôi thấy rằng chính bạn đọc trong cách thưởng thức văn hóa của mình cũng có cách lựa chọn chi tiết riêng. Nếu người nào thích thể loại thông tấn, họ sẽ chọn những tác phẩm ngắn, nhiều sự kiện, dễ đọc, mất ít thời gian hơn là đọc những câu văn khi thì dài quá, khi lại ngắn quá, khó đọc, tốn thời gian. Chị có lo sợ khi văn chương đang đứng trước những thử thách của nhiều bạn đọc như vậy không?
NGUYỄN THỊ THU HUỆ: Tôi không sợ vì tôi tin là nếu có những tác phẩm văn học hấp dẫn, hay (bất kể ở thể loại nào) thì người đọc sẽ đón nhận. Nếu nhà văn mà sợ những trào lưu mới của công nghệ thông tin như vậy, chắc không ai muốn viết tiểu thuyết nữa. Tôi thì thấy ngược lại. Công nghệ thông tin càng phát triển, thế giới càng phẳng, thì nhà văn càng có cơ hội viết ra những tác phẩm lớn. Ít ra, là nhà văn thời này sướng hơn các thế hệ nhà văn trước là luôn được cập nhật thông tin, và khi viết về một vấn đề gì, có thể tìm hiểu khá rõ và tương đối chính xác về vấn đề đó, chứ không thiếu và đói thông tin như ngày trước. Quanh đi quanh lại, chỉ là vấn đề. Đấy là, nhà văn có ngồi vào bàn, một mình, và viết hay không.
PV: Ngay cả bản thân người sáng tác như chị, khi văn học đòi hỏi nhiều thời gian hơn để suy nghĩ, để trằn trọc trước con chữ thì chị cũng lại dành cho nó ít thời gian, mà lại ưu ái hơn với điện ảnh. Điều đó chắc không phải là niềm đam mê văn chương đã không còn nhiều?
NGUYỄN THỊ THU HUỆ: Đam mê thì luôn có, nhưng viết là một thử thách. Có lúc, viết được những điều mình muốn viết, mà đọc thấy cũng được. Có lúc, viết được những điều mình muốn viết, nhưng đọc chưa thấy được, thế là cất kho. Giản dị thôi mà chị, nhà văn là tác phẩm, mình yêu thương nó, trân trọng nó, thì mình sẽ được nó yêu thương và trân trọng lại. Tôi không thấy vội lắm, khi chưa thật thích chính những dòng của mình viết ra, thì chưa công bố thôi. Còn điện ảnh, cũng là một thứ tôi yêu thích, sau văn chương. Nhưng không phải vì yêu cái này mà bỏ cái kia. Dạo này, tôi thích viết tản văn. Có lẽ, ý thức công dân đang trỗi dậy quá mạnh (cười) trước những “thói hư tật xấu” và những điều đẹp đẽ mất dần đi của xã hội, nên quay sang viết tản văn, tạp bút cho bớt “bức xúc”. Nhưng văn chương là tri ân tri kỉ, không bao giờ bỏ nhau hết.
PV: Có ý kiến “Sau 20 năm, bước đầu giới nghiên cứu đã có sự đánh giá thành tựu văn học đổi mới, nhưng nói chung nó chưa nhiều và chưa định hình, các giá trị văn học cũng chưa rõ ràng. Nếu nói văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới đang ở đâu thì rất khó, có lẽ nên nói chúng ta đã bằng lòng hay chưa mà thôi. Tất nhiên chưa thể bằng lòng được”. Sự thực là chúng ta đã đạt được những thành tựu rất lớn trong văn học, văn học hoàn toàn mở cửa, và nhà văn được tự do sáng tạo, từng vận hội của đất nước đều được văn học phản ánh. Và các giá trị văn học đã được bạn đọc, nhà phê bình định giá. Ý kiến của chị như thế nào?
NGUYỄN THỊ THU HUỆ: Cũng không cần phải lo lắng nhiều về chuyện này. Vì tôi thấy những nhà văn chuyên nghiệp và một số bạn viết mới đang ngày đêm viết. Tôi không quan tâm lắm chuyện tác phẩm khi ra đời là thế nào mà quan tâm chuyện các nhà văn vẫn đang viết, vì nghề viết là sự sáng tạo cá nhân, âm thầm. Điều đó cho thấy nền văn học Việt Nam đang phát triển, và hứa hẹn sẽ có tác phẩm lớn. Riêng tôi, văn học Việt Nam thời nào cũng có những tác phẩm giá trị. Thước đo những giá trị đó nằm ở mỗi cá nhân người đọc, chứ không phải xã hội hay một tổ chức nào đó quyết định.
PV: Khi chị đọc các sáng tác của các bạn viết trẻ hiện nay, điều chị vui mừng nhất là gì, và điều chị lo âu nhất là gì?
NGUYỄN THỊ THU HUỆ: Tôi có lẽ là người chăm mua sách và hào hứng đọc sách của các cây viết mới (Không hẳn trẻ tuổi, nhưng mới xuất hiện) không giống như một số người chỉ đọc tác phẩm của những nhà văn tên tuổi, hay sách dịch mà biết chắc đó là sách hay. Tôi thì đọc tất. Trên báo, trên những tuyển tập… Đơn giản là, mình hãy mua sách của mọi người, âm thầm làm một độc giả của những người viết ngày càng hiếm của văn chuơng. Tôi vui, vì cứ vài ngày ra hiệu sách, là thấy có sách mới. Hay, dở, chưa biết, nhưng biết ngay là có thêm người viết mới, hoặc một bạn văn có sách mới. Còn lo âu, tôi không lo âu gì với bất cứ ai mới viết hoặc vẫn viết, vì cứ viết được là tốt. Lo là lo người viết và yêu việc viết ít đi thôi. Riêng về chất lượng mỗi tác phẩm, tôi không bao giờ lo cho người viết, vì độc giả mỗi người một gu thẩm mĩ, một quan niệm. Không thể lấy tư tưởng, ý thích của người này áp đặt cho người khác. Vậy thì với người viết, cứ viết những gì họ tâm đắc, viết tới tận cùng con người họ. Còn được bạn đọc yêu quý hay ghét bỏ, là chuyện khác… Người đọc bây giờ đa dạng, thông minh và sòng phẳng. Không ai định hướng được họ. Vậy thì tôi đâu cần phải lo cho người viết - đồng nghiệp của tôi điều gì. ..
THU HUYỀN (Theo báo Văn Nghệ Trẻ)
Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013
TRẢ LỜI ĐỘC GIÁ VNEXPRESS
Hàng trăm câu
hỏi đã gửi đến, trong đó có những độc giả chỉ đơn giản là bày tỏ lòng
ngưỡng mộ hoặc hỏi thăm về cuộc sống riêng của nhà văn. Tuy nhiên, do
quá bận duyệt kịch bản phim và bị cuốn hút bởi sự kiện World Cup, đặc
biệt là trận đấu giữa Brazil - Anh hôm thứ sáu, Thu Huệ chỉ kịp trả lời
một số câu hỏi mà chị tâm đắc nhất.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.
|
- Hạnh phúc của một nhà văn, theo chị là gì? (Hoang John)
- Với tôi, điều hạnh phúc nhất là khi mình viết ra một tác phẩm và nó đến được với người đọc, rồi được chấp nhận.
- Chị được coi là một phụ nữ có tất cả: sắc đẹp,
thông minh, thành đạt trong sự nghiệp... vậy bản thân chị có thấy mình
còn thiếu thứ gì không? (Nguyen Chau Anh)
- Tôi cảm thấy mình còn thiếu nhiều thứ lắm, ví như
ngoại ngữ, vi tính. Một anh bạn nhà văn nói với tôi rằng, thế kỷ 21 mà
không biết hai thứ này thì coi như mù chữ, vậy mà tôi thiếu đúng hai thứ
ấy.
- Nếu có một điều ước cho riêng mình, chị sẽ ước gì?(Le Thu)
- Có một cuộc sống bình yên và nhiều nghị lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, làm chỗ dựa cho người thân.
- Lúc nào thì chị cảm thấy cô đơn? (Hoang John)
- Khi tôi không làm được một điều gì đó hoặc không làm
cách nào để giúp đỡ một người gặp khó khăn, tôi cảm thấy bất lực và cô
đơn kinh khủng.
- Những cô gái trẻ Việt Nam bây giờ cần phải làm
những gì để vừa làm tròn bổn phận trong gia đình, vừa làm tốt công tác
xã hội? (Linh Trang)
- Các bạn cần phải tranh thủ óc sáng tạo của tuổi trẻ
để học, khám phá và tìm hiểu cuộc sống. Tôi cho rằng điều gì cũng có thể
làm được. Điều khác nữa là chúng ta phải chấp nhận và đối mặt với khó
khăn trong cuộc sống, bởi sẽ không ai cứu được mình bằng chính bản thân
mình. Tóm lại, để vừa làm tốt công việc ngoài xã hội, vừa làm tròn bổn
phận gia đình, các bạn hãy yêu cuộc sống mà cha mẹ đã ban tặng và hãy
sống tận cùng với nó.
- Động lực nào thúc đẩy chị viết được nhiều tác phẩm hay? (Thao Huynh)
- Tôi luôn cảm nhận cuộc sống từ bề chìm của nó, tức
là luôn khám phá đằng sau mỗi con người, mỗi số phận cuộc sống nội tâm
của họ. Trong khi tìm tòi, tôi chỉ có một cách chia sẻ duy nhất là viết,
bởi văn chương đối với tôi là người bạn chung thuỷ có thể chia sẻ với
mình nhiều điều.
- Tôi đã đọc các truyện "Mùa đông ấm áp", "Hậu
thiên đường", "Nước mắt đàn ông"... và rất hâm mộ chị. Theo chị, muốn
làm nhà văn có cần năng khiếu không? (Thao Huynh)
- Tôi cho rằng làm bất cứ nghề gì cũng cần phải có
tài, dù là ít. Riêng với những người làm nghệ thuật thì yếu tố tài năng
rất cần thiết. Bên cạnh đó một thứ bắt buộc phải có là kiến thức trang
bị về nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, có tài mà không có học thì đến
một lúc nào đó cũng sẽ hết tài, hoặc những sản phẩm tinh thần của họ sẽ
chỉ là sự lấp lánh của bản năng mà thôi. Tài năng cần được nuôi dưỡng
bởi kiến thức học hỏi và kinh nghiệm cuộc sống.
- Chị nghĩ thế nào về hiện tượng văn học Việt Nam
hiện nay: quá nhiều truyện ngắn, hơi ít tiểu thuyết và truyện vừa. Nội
dung và thủ pháp của các truyện ngắn nghèo nàn. Phải chăng các nhà văn
hiện nay không sống hết mình với nghiệp văn chương?( pcnguyen)
- Ý kiến này chỉ đúng một phần, các nhà văn lớn tuổi
vẫn đang ấp ủ những tiểu thuyết dài, có thể họ sẽ in hoặc chỉ viết cho
bản thân mà không công bố. Trường lực viết của các nhà văn lớn tuổi rất
dồi dào nhưng vẫn bị hạn chế vì họ không có điều kiện sức khỏe và vật
chất tốt để yên tâm viết và viết. Còn đối với thế hệ các nhà văn trẻ,
vốn thực tế cuộc sống xã hội không nhiều, công việc hàng ngày bận rộn
nên truyện ngắn lúc này là hợp với họ. Tôi không cho rằng các nhà văn
hiện nay không sống hết mình với nghiệp văn chương, bởi vì đã là người
cầm bút ai cũng muốn hết mình, chỉ có điều bạn đọc cảm nhận đến đâu
trong xã hội phát triển mạnh như hiện nay, khi mà con người được tiếp
cận với nhiều phương tiện hiện đại thì văn hóa đọc cũng phần nào bị giảm
đi. Theo tôi, đó là nguyên nhân mà người đọc bây giờ không hào hứng lắm
với những tiểu thuyết dày như ngày xưa.
- Dường như trong những truyện của chị không có bóng dáng của sự yêu thương trong gia đình? (Tran Thu Thuy)
- Có bóng dáng yêu thương trong gia đình của tôi đấy chứ! Như truyện ngắn Biển ấm
chẳng hạn, trong đó nếu không có lòng yêu thương thì nhân vật chính sẽ
không biết đi đâu, về đâu. Còn rất nhiều truyện khác của tôi cũng nói về
tình yêu, lòng vị tha, bởi ai cũng cần có tình yêu thì mới làm được mọi
việc.
- Dường như chị dị ứng với những người đàn ông ăn
xôi hoặc phở xào (trong truyện "Hậu thiên đường"). Theo chị, một người
đàn ông thanh lịch nên ăn bún? (Trọng Dũng)
- Không thể đánh giá qua việc người ta ăn xôi, ăn phở
hay bún, có thể họ ăn cơm nguội cũng được, nhưng đó là bằng tiền do
chính họ làm ra chứ không phải đi ăn ké của người khác, nhất là phụ nữ..
- Người ta thường nói "hồng nhan bạc mệnh" và "chữ
tài gắn với chữ tai một vần". Là người có cả tài lẫn sắc, chị nghĩ thế
nào về quan niệm trên? (T.Hang)
- Tôi cho rằng hai quan niệm trên không hẳn đúng như
vậy. Có lẽ những phụ nữ đẹp khi gặp khó khăn thường bị chú ý hơn người
bình thường. Bởi vậy, người ta hay gán rằng là đó là hồng nhan bạc mệnh. Trên thực tế, có rất nhiều người đẹp thành đạt cả trong sự nghiệp lẫn hôn nhân.
- Chị có thích bóng đá không và thích đội nào nhất? (Tran Le Huyen Thoai)
- Bóng đá cũng là niềm đam mê lớn đối với tôi. Những
đội bóng nào bộc lộ tài năng, chơi đẹp và không tính toán luôn làm tôi
ngưỡng mộ. Trước đây, tôi mê Italy nhưng ở World Cup lần này họ hơi nhu
nhược. Trước đây, tôi cũng mê Pháp nhưng bây giờ thì thất vọng hoàn
toàn, hình như họ mải tận hưởng vinh quang mà quên mất cần phải giữ nó
như thế nào. Bây giờ thì tôi ủng hộ Brazil và Mỹ. Trong trận Brazil -
Anh, ở 5 phút cuối, tôi đã chui vào gầm bàn để nghe đồng nghiệp bình
luận mà không dám xem vì sợ đội bóng mà mình yêu mến sẽ thua.
NHÀ VĂN CỦA NỒNG ẤM TÌNH YÊU
QĐND
- Là một gương mặt tiêu biểu của văn xuôi nữ sau Đổi mới, Nguyễn Thị
Thu Huệ ngay từ những truyện ngắn đầu tiên đã nhanh chóng xác lập được
vị trí của mình trên văn đàn. Không thuộc số những nhà văn viết khỏe,
Thu Huệ chỉ viết khi câu chuyện đã đầy ắp trong tim óc cần hiện diện ra
thành câu chữ. Vì thế, hơn hai mươi năm cầm bút, số lượng truyện ngắn
chị viết không thật nhiều. Chúng được tập hợp trong sáu tập: Cát đợi (1992), Hậu thiên đường (1993), Phù thủy (1995), Nào ta cùng lãng quên (2003), 37 truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ (2010) và gần đây nhất là Thành phố đi vắng
(2012). Chị cũng là nữ nhà văn đã tạo dựng được phong cách riêng và đặc
biệt có duyên với các giải thưởng: Giải nhất cuộc thi sáng tác về Hà
Nội, Giải nhất cuộc thi Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tặng thưởng Hội nhà văn với tác phẩm Hậu thiên đường.
Bước
vào thế giới truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ là bước vào lãnh địa rất
riêng tư của phụ nữ. Ở đó, tác giả xây dựng bức tranh đời sống nhiều màu
vẻ nhưng mối quan tâm lớn nhất, trở thành tâm điểm hút xoáy những vấn
đề khác chính là phụ nữ, những vấn đề xoay quanh số phận người phụ nữ.
Rất hiếm khi nam giới trở thành nhân vật chính trong truyện ngắn của chị
(Những đêm thắp sáng, Nước mắt đàn ông, Minu xinh đẹp là những
ngoại lệ hiếm). Quan tâm đến phụ nữ, Thu Huệ nhận ra: Trong xã hội hiện
đại, nỗi ám ảnh phái yếu không phải là tiền tài, danh vọng, không phải
là bổn phận và trách nhiệm, càng không phải những giá trị đạo đức mà xã
hội mặc nhiên khoác lên vai họ. Nỗi ám ảnh đau đáu, duy nhất chính là
tình yêu. Những nhân vật phụ nữ của Thu Huệ dù già hay trẻ, dù đã yên ấm
gia đình hay đang đổ vỡ, dù thiếu nữ hay thiếu phụ đều có một điểm
chung nhất, đó là những tâm hồn khát yêu, luôn luôn tất tả trên hành
trình khám phá, kiếm tìm tình yêu, dâng hiến, hy sinh cho tình yêu đến
kiệt cùng tuổi trẻ và hạnh phúc. Đó là cô bé mười sáu tuổi, chập chững
trên đường kiếm tìm hạnh phúc, chập chững nhưng đầy “liều mạng”, mê đắm
trong thiên đường với người đàn ông hay văng tục, người có mùi khai của
nước đái trẻ con (Hậu thiên đường), đó là cô gái mới lớn “to gan”, bỏ nhà vượt mấy trăm cây số đến với người đàn ông hơn mình mười hai tuổi vừa bỏ vợ (Biển ấm)…
Điều thú vị là nhà văn phát hiện ra không chỉ những người phụ nữ tỉnh
táo mới đắm đuối vì yêu mà những người dở tỉnh dở mê, dở âm dở dương
cũng lạc lối trong vườn yêu muôn nẻo (Cõi mê; Nào, ta cùng lãng quên).
Đi sâu
vào thế giới phụ nữ, truyện ngắn Thu Huệ còn là những phát hiện về tổ
ấm thời hiện đại. Bằng sự tinh tế, bén nhạy của trái tim phụ nữ đa cảm,
chị nhanh chóng nhận thấy những vết rạn trong tế bào xã hội. Không đề
cập tới những sóng gió và biến cố nhưng truyện ngắn nào cũng mở ra hình
ảnh một tổ ấm không vẹn nguyên. Những gia đình tan vỡ, những ông bố, bà
mẹ ngoại tình, những người mẹ đơn thân, những đứa trẻ bơ vơ, cô đơn và
cô độc. Mỗi gia đình nhỏ như con thuyền tròng trành trong bão, có thể
lật úp, có thể rạn vỡ, có thể tan tác mà rất ít khả năng giữ được nguyên
lành. Đó có phải là hệ quả tất yếu của xã hội hiện đại ngày càng đầy
lên những giá trị vật chất mà nghèo nàn, thảm hại những giá trị tinh
thần. Hay phải chăng, nó phản ánh sự đổ vỡ không cách nào cứu vãn trong
tâm hồn những người giữ lửa. Khi người mang trọng trách giữ lửa (người
mẹ, người vợ) trong mỗi gia đình nhận ra mình không có lửa, không còn
lửa hoặc ngọn lửa mình đang nắm giữ chỉ là ảo ảnh, họ không tiếp tục cam
chịu giữ gìn biên giới của gia đình truyền thống mà lao vào cuộc kiếm
tìm hơi ấm cho riêng mình. Tổ ấm biến thành tổ lạnh. Những nếp nhà hiện
đại hoang vu trong ồn ã tiếng người. Đáng giận, đáng thương hay đáng
trách? Thu Huệ không trả lời. Mỗi truyện ngắn là một vết cứa sắc vào
lòng độc giả, đầy gợi mở suy tư về thân phận con người, đặc biệt là phụ
nữ.
Viết
về phụ nữ hiện đại với những vấn đề đương đại nhưng Nguyễn Thị Thu Huệ
sử dụng lối viết khá truyền thống. Phần lớn truyện ngắn của chị có kết
cấu chặt chẽ, lô-gích, có thể xáo trộn về thời gian, không gian nhưng
vẫn dễ dàng tìm ra trật tự tuyến tính của cốt truyện. Tính cách nhân vật
khá nhất quán, số phận nhân vật thường đặt trong mối quan hệ nhân quả,
có thể đoán biết trước. Sự hấp dẫn của truyện ngắn Thu Huệ nằm ở lối
viết đằm thắm, nồng nàn hơi ấm nữ tính. Mỗi truyện như một lời tâm tình,
chia sẻ hướng tới những tri âm. Sôi nổi, nồng nàn, nồng nàn ngay cả
trong hoàn cảnh cay đắng và chua chát nhất là giọng điệu chính chi phối
sáng tác Nguyễn Thị Thu Huệ. Giọng điệu ấy khiến truyện ngắn của chị dù
đề cập đến nhiều đổ vỡ, mất mát nhưng vẫn là sợi dây neo đậu niềm tin
vào hạnh phúc và tình yêu.
Năm 2012, Thu Huệ “trở lại” văn đàn với tập truyện ngắn Thành phố đi vắng.
Tác phẩm ghi dấu những đổi thay rõ nét trong đề tài và lối viết của
chị. Ở tập truyện mới nhất này, Thu Huệ quan tâm nhiều đến vấn đề đô thị
hiện đại. Thay vì kiếm tìm tình yêu, tập truyện là những ưu tư về tình
người ngày một cạn kiệt thậm chí biến mất trong đô thành hiện đại. Tình
người băng giá, sự vô cảm, nỗi bất an và cái chết trở thành những ám ảnh
trong đời sống đương đại. Lối viết khách quan, trung tính, tiết chế cảm
xúc tối đa, mỗi truyện ngắn trong tập sách mới như một bản tường thuật
đời sống. Ở đó nhà văn chỉ làm nhiệm vụ duy nhất là tường thuật trung
thành, không tham dự, không mách bảo người đọc.
Hơn hai mươi năm cầm bút, Nguyễn Thị Thu Huệ luôn là cây bút nữ không (chưa) mệt mỏi trên hành trình sáng tạo.
Thạc sĩ NGUYÊN HƯƠNG
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)